(HNMO) - Sáng 10-11, kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV bước sang ngày cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn và báo cáo thêm những vấn đề mà đại biểu, cử tri, nhân dân cả nước quan tâm.
Tạo động lực và khí thế mới, đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điểm lại những nội dung chính thảo luận 3 ngày vừa qua và khẳng định, phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp. Theo Chủ tịch Quốc hội, với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã đề cập nhiều vấn đề nóng, được đông đảo cử tri cả nước quan tâm trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, tài nguyên và môi trường… Các bộ trưởng, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ cũng đã giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, đồng thời nêu rõ những giải pháp khắc phục bất cập.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn diễn ra vào thời điểm sắp hết nhiệm kỳ, toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đất nước phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; thiên tai, dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn tới việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Với tinh thần cầu thị và trách nhiệm với cử tri cả nước, phiên chất vất đã truyền tải được thông điệp của các bộ, ngành trong việc quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra từ đầu nhiệm kỳ; đồng thời thể hiện vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội và Quốc hội, tạo động lực và khí thế mới đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững.
Giữ vững sự chủ động chiến lược trong mọi tình huống
Nhìn lại chặng đường đầy khó khăn vừa qua, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin về một Việt Nam độc lập, khát vọng, tự cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.
Theo Thủ tướng, trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép và Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu áp dụng tái phong tỏa, vì vậy chúng ta không được chủ quan, lơ là; đề cao ý thức cộng đồng, nâng cao năng lực cách ly, điều trị, sản xuất sinh phẩm, vắc xin…, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, bão chồng bão, lũ chồng lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống hàng triệu người dân ở miền Trung. Ngay giờ phút này, bão số 12 đang đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Nhiều người dân đã bày tỏ sự cảm động, cảm phục về những cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, lực lượng quân đội, công an, các lực lượng phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn… thực hiện kiên quyết phương châm "4 tại chỗ" về phòng, chống lụt bão. Trong đó, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an không quản ngại gian khổ, hy sinh, quên mình để giúp đỡ nhân dân vượt qua bão lũ. Tình đồng bào, đồng chí thắm thiết đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, truyền thống của dân tộc. Chính phủ đang tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ, sửa chữa nhà ở, các công trình để nhanh chóng khôi phục đời sống, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.
Chính phủ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân chủ quan, khách quan qua đợt bão lũ vừa qua tại miền Trung và sẽ tập trung các giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế đối với hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ, đẩy mạnh trồng rừng, xử nghiêm các vụ phá rừng, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tăng cường năng lực dự báo, ban hành chiến lược ứng phó thiên tai.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã tập trung xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư kinh doanh...
Những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ trong 5 năm qua đã góp phần làm nên 350 nghìn doanh nghiệp được thành lập, chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Mỗi năm, hàng triệu việc làm được tạo ra trên cả nước… Thủ tướng ghi nhận ý kiến của các đại biểu về những bất cập trong cơ chế chính sách, xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm cần quan tâm.
Thủ tướng cho rằng, mức tăng trưởng đề ra cho năm 2021 còn khiêm tốn, nhưng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, những diễn biến trên thế giới có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng phải giữ được sự chủ động chiến lược. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động. Phải tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng nhắc tới những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra, trong đó có những nạn nhân là những cháu nhỏ chưa kịp học xong bài học trên lớp..., và bày tỏ trăn trở vì vẫn còn những trẻ em phải đu dây vượt sông tới trường, chèo thuyền đi học... "Chính phủ và tất cả chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, bằng cả trái tim và khối óc", Thủ tướng khẳng định.
Dẫn lại 4 câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mượn ý thơ để bày tỏ sự quyết tâm làm động lực đưa đất nước ta phát triển: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Thịnh vượng và phát triển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Sau báo cáo làm rõ các vấn đề được đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời về các vấn đề được nhiều đại biểu nêu về thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta; các giải pháp giữ vững cân đối lớn của nền kinh tế trong tình trạng hụt thu ngân sách; giải pháp phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; chính sách thu hút nhân tài và văn hóa từ chức…
Xem thêm:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đề cao tự lực tự cường, xây dựng nền kinh tế tự chủ
Sức mạnh tinh thần đoàn kết từ "Câu chuyện bó đũa"
Báo cáo vấn đề các đại biểu quan tâm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không chỉ riêng năm 2020 mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối diện với những thách thức lớn chưa từng thấy, như đợt hạn hán kỷ lục ở Đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa; sạt lở đất, lũ quét ở Tây Bắc; bão lũ, ngập lụt ở miền Trung... Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD của tổng GDP trong gần 5 năm trong nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Nhiều địa phương vươn lên trở thành động lực kinh tế quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước. Trong khó khăn, bài học từ "Câu chuyện bó đũa", từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Tinh thần đó được khẳng định trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt năm 2020 khi Việt Nam đối diện, kiểm soát và đẩy lùi Covid-19, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Nêu ra các con số như đã tạo hơn 8 triệu việc làm mới cho người đến tuổi lao động và người mất việc làm trước đó, năng suất lao động được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người trong nhiệm kỳ qua tăng gần 145%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020…, Thủ tướng nhấn mạnh: “Những con số thống kê dù phong phú cũng không lột tả hết được những thành tựu và tiến bộ trong đời sống xã hội. Đó là cả chặng đường đầy khó khăn, không phải chỉ cải cách một lần mà phải nhiều lần của các thế hệ đi trước trong nhiều giai đoạn. Điều quan trọng là chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin cũng như khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ”.
Quy định về kinh phí bảo trì chung cư sẽ rõ hơn
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) về biện pháp xử lý chủ đầu tư chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, tính đến năm 2019, cả nước có hơn 4.400 nhà chung cư, trong đó hơn 90% số nhà chung cư được vận hành an toàn, ổn định; gần 10% có tranh chấp, chủ yếu về chậm tổ chức hội nghị chung cư, chậm thành lập ban quản trị, bàn giao quản lý và sử dụng quỹ bảo trì chung cư; xác định sở hữu chung, sở hữu riêng tại chung cư.
Ngoài ra, còn một số tranh chấp về thu chi tài chính, quy chế hoạt động của ban quản trị, giá dịch vụ, đơn vị vận hành, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, chất lượng công trình…
Nguyên nhân của tình trạng trên là một số quy định, pháp lý về quản lý và sử dụng nhà chung cư chưa đầy đủ, rõ ràng; một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chưa quan tâm thích đáng nghĩa vụ sau bán hàng; một số hợp đồng mua bán căn hộ chung cư chưa tuân thủ đầy đủ quy định, thường có một số khoản không rõ ràng và thiên về bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư.
Trước tình trạng gây bức xúc trong dư luận, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước về nhà chung cư. Bộ Xây dựng ban hành thông tư về quản lý nhà chung cư, ban hành quy chuẩn về nhà chung cư và bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với quản lý nhà chung cư. Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong tăng cường công tác quản lý. Trong đó, tại Hà Nội, một số vụ vi phạm về quỹ bảo trì nhà chung cư đã được chuyển cho cơ quan điều tra xem xét xử lý.
Đến nay, sau nhiều giải pháp và sự cố gắng của địa phương, tình hình tranh chấp nhà chung cư đã giảm.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian tới sẽ sửa đổi Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở theo hướng quy định rõ hơn đối với nhà chung cư về mức thu, phương thức thu... kinh phí bảo trì.
“Về tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì, chúng tôi ủng hộ các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý chủ đầu tư cố tình vi phạm quy định về quản lý và sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Truyền hình xuyên biên giới cạnh tranh không cân bằng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) về hiện trạng “bảo hộ ngược” khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình Việt Nam phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cũng như luật pháp, trong khi đó một số nền tảng xuyên biên giới thì vẫn chưa phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam, cạnh tranh không cân bằng.
Việt Nam hiện có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 14 triệu thuê bao, doanh thu 9.000 tỷ đồng/năm. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua mạng internet của các nền tảng xuyên biên giới đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Netflix, Apple TV hoặc WeTV là 1 triệu thuê bao...
Bộ trưởng so sánh, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình trong nước cơ bản tuân thủ các quy định về cấp phép, biên tập nội dung, nộp phí đóng thuế. Quý I-2020, thuê bao truyền thống giảm gần 1 triệu.
Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chưa phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam và tăng trưởng mạnh trong năm 2020. Riêng thuê bao của Netflix trong quý I-2020 tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch vụ này có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, như phản ánh sai trái lịch sử, xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm…
Để xử lý các bất cập trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu các giải pháp là cần tiến hành sớm và nhanh việc sửa đổi Nghị định 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình trên internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Bộ Thông tin và Truyền thông đã soạn thảo xong Nghị định, đang trình Chính phủ xem xét.
Ngoài ra, cần sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng. Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo các quy định này và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tích cực.
Người dân Hà Nội được tiếp cận thông tin về chất lượng không khí
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) về giải pháp và hành động giải quyết chất lượng không khí có nhiều ngày xấu ở các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhìn nhận, đây là vấn đề mang tính cảnh báo với nhiều đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Vào những thời điểm thời tiết có hiện tượng nghịch nhiệt, chất lượng không khí bị ô nhiễm nhiều hơn. Ví dụ như trong tháng 7-2020, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở mức xấu nhưng các chỉ số chung về ô nhiễm không khí ở các thành phố khác vẫn bình thường.
Trước tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động kiểm soát chất lượng không khí và chỉ thị cho các địa phương triển khai kế hoạch hành động.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định rõ về trách nhiệm thực hiện hiến định cung cấp thông tin chất lượng môi trường nói chung, trong đó có môi trường không khí, cũng như các cảnh báo liên quan đến an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân được biết; quy định thành lập hệ thống quan trắc môi trường thường xuyên cho người dân thông qua hệ thống quan trắc môi trường quốc gia của vùng và địa phương, đặc biệt quan tâm đến quan trắc xuyên biên giới; đã xem xét điều chỉnh lại hệ thống quy chuẩn chất lượng môi trường, đặc biệt là quy chuẩn chất lượng môi trường không khí, áp dụng các quy chuẩn cao nhất của châu Âu liên quan đến sức khỏe, thay thế các quy chuẩn trước đây.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã tăng cường các trạm quan trắc tự động chất lượng không khí; đặc biệt Hà Nội đã có app (ứng dụng) cung cấp thông tin từ các trạm đo để người dân tiếp cận thông tin về chất lượng không khí.
Đưa chỉ tiêu lao động qua đào tạo có chứng chỉ trở thành tiêu chí bắt buộc
Mở đầu trả lời chất vấn đầu giờ sáng nay là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn Hải Phòng) chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội: "Lao động qua đào tạo chỉ đạt tỷ lệ hơn 60%, số lao động có chứng chỉ thấp, trường nghề không tuyển sinh được, sinh viên ra trường khó tìm việc làm, doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động, nguyên nhân và giải pháp?".
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời, thừa nhận tình trạng này và cho biết, để tập trung phát triển bao trùm và bền vững lao động, trong xu hướng các nước phát triển, họ tập trung vào bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng cho người lao động, tạo việc làm thỏa đáng, quan tâm an sinh bền vững, trong đó có hai trụ cột là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Với Việt Nam, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tập trung nâng cao chất lượng như đại biểu nêu, trong đó, tập trung tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
“Trên cơ sở đó, chúng tôi nhận thấy có một số việc phải tập trung cao. Trước hết, tham mưu Chính phủ và Quốc hội đi theo hướng phát triển lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế. Về xu hướng, chúng tôi đề xuất theo hướng đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo có chứng chỉ trở thành tiêu chí bắt buộc trong cả nhiệm kỳ 5 năm (2021-2026) và trong từng năm, phấn đấu mỗi năm tăng bình quân 4%. Sau 5 năm, tỷ lệ lao động có chứng chỉ là 40-45%, phù hợp thông lệ quốc tế, tương đương mặt bằng chung các nước phát triển”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kỹ năng mềm; tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo và đào tạo lại thường xuyên lực lượng lao động, tạo chuyển biến mạnh về quy mô, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm người lao động có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ, thích ứng với thị trường lao động.
Song song với đó là tăng cường tốt công tác dự báo cung cầu lao động và đào tạo theo nhu cầu; chỉ đạo rà soát sắp xếp lại hệ thống giáo dục khởi nghiệp đạt mục tiêu và chất lượng cao; tăng cường kết nối 3 nhà (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng trả tiền lương cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực lành nghề…
Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Sáng 10-11, kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV bước sang ngày cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ.
Bắt đầu phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tóm tắt kết quả phiên chất vấn chiều 9-11 và thông qua chương trình làm việc sáng 10-11. Theo đó, sau hai ngày chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 92 đại biểu chất vấn, hiện còn 27 đại biểu đang chờ chất vấn và 6 đại biểu chờ tranh luận.
Trong sáng 10-11, sau phần trả lời của các bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn và báo cáo thêm những vấn đề mà đại biểu, cử tri, nhân dân cả nước quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.