Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn

Hoàng Thu Vân| 01/11/2016 07:02

(HNM) - Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Hà Nội, trong đó quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.


Hơn 3 năm triển khai thực hiện, Luật Thủ đô đã phát huy vai trò tích cực trong đời sống xã hội, từ đó làm cơ sở hình thành những cơ chế, chính sách để Hà Nội thu hút các nguồn lực, khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh trong triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Những quy định trong luật đã tạo hành lang pháp lý cần thiết để thành phố tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao; phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng quy mô lớn; thu hút và trọng dụng nhân tài; thực hiện các biện pháp bảo đảm quy hoạch, quản lý đất đai, không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị...

Những năm qua, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Thủ đô Hà Nội vẫn duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao hơn mức bình quân cả nước ít nhất 1,5 lần, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, Hà Nội đã giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin cho bạn bè quốc tế... Bên cạnh đó, thành phố đã đẩy mạnh và có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực như quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng nông thôn mới... Những kết quả đó có vai trò quan trọng và sự đóng góp to lớn của Luật Thủ đô. Nói cách khác, Luật Thủ đô vừa là sự khẳng định vai trò, vị thế của Thủ đô trong sự phát triển chung của đất nước, vừa là động lực thúc đẩy Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại, xứng đáng là “Trái tim của cả nước”, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến - anh hùng - hòa bình - hữu nghị của dân tộc Việt Nam.

Có thể thấy, thời gian qua Luật Thủ đô đã được cả hệ thống chính trị của thành phố và nhân dân Thủ đô cố gắng, nỗ lực triển khai trong đời sống với trách nhiệm cao. Song, để Luật Thủ đô thực sự phát huy hiệu quả toàn diện trên các lĩnh vực, tạo ra những bước đột phá cho công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố trong giai đoạn mới thì có những vấn đề Hà Nội rất cần sự chung tay, trách nhiệm, vào cuộc tích cực của các cơ quan trung ương và các địa phương trong cả nước.

Ví dụ là những lĩnh vực cụ thể được quy định trong Luật Thủ đô như “Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô”; “Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị”, “Bảo tồn và phát triển văn hóa”; “Quản lý và bảo vệ môi trường”, “Quản lý đất đai”, “Chính sách, cơ chế tài chính”… đang đặt ra nhiều công việc cần triển khai thực hiện như giảm dần dân số gia tăng cơ học về số lượng và quy mô; hạn chế phương tiện cá nhân; di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục ra khỏi khu vực nội thành; đầu tư lớn nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội... Trong đó, có những công việc thuộc trách nhiệm của các cơ quan trung ương và các địa phương; có những vấn đề được quy định trong Luật Thủ đô cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Điều 4, Luật Thủ đô quy định:“Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân TP Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước”. Chỉ khi mọi công việc được thực hiện đồng bộ với trách nhiệm cao và tình yêu Hà Nội thì Luật Thủ đô mới được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách hoàn chỉnh đáp ứng và phục vụ yêu cầu phát triển của Hà Nội, đồng thời thực sự lan tỏa tác dụng đều khắp trong mọi lĩnh vực của đời sống, tạo cơ sở cho việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và khả năng chủ động của Thủ đô cùng với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Trung ương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Vùng Thủ đô và cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.