(HNM) - Ngày 18-11, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), dự án Luật Du lịch (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Thảo luận về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), đa số ĐB nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch bởi sau 10 năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành công nghiệp không khói. Đặc biệt, trước sự phát triển, thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam cùng với quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ đã làm nhiều quy định của Luật Du lịch không còn phù hợp và thiếu tính thống nhất.
Tán thành với nhiều nội dung sửa đổi của dự thảo luật, các ĐB nhận định, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã có độ thông thoáng nhất định theo định hướng cơ chế thị trường và cơ bản khắc phục được những bất cập của luật hiện hành.
Tuy nhiên, các ĐB cũng chỉ ra một số quy định cần tiếp tục hoàn thiện. Đề cập đến đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, ĐB Triệu Thanh Dung (Đoàn Cao Bằng) cho rằng, quy định trong dự thảo luật mới chỉ khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên bằng cách hạ tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên mà chưa có quy định kiểm tra kiến thức, kỹ năng của hướng dẫn viên. ĐB đề nghị bổ sung quy định thi sát hạch trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ để bảo đảm chất lượng hướng dẫn viên du lịch; giao việc cấp thẻ hướng dẫn viên cho Hiệp hội Lữ hành, các trường đào tạo để thuận tiện cho quá trình đào tạo, tổ chức thi…
So với Luật Du lịch 2005, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã bỏ quy định về nội dung thanh tra chuyên ngành du lịch. Tuy nhiên, một số ĐB không đồng tình. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) phân tích, quản lý du lịch mà không có quy định về thanh tra chuyên ngành thì sẽ không có cơ sở để quy trách nhiệm, không thể kiểm soát chặt chẽ được các sự cố, tai nạn du lịch, các vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở kinh doanh... Nhấn mạnh việc 70% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không quay trở lại vì nỗi lo sợ liên quan đến chất lượng dịch vụ và vệ sinh môi trường, ĐB Ngàn Phương Loan (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, việc cân nhắc thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành du lịch ở những vùng trọng điểm du lịch trong thời điểm này là phù hợp và cần thiết.
Một nội dung quan trọng khác của dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) các ĐB đề nghị xem xét lại là quy định việc thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng theo nguyên tắc tự nguyện, không còn bắt buộc nữa. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, quy định này tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, tạo kẽ hở về pháp luật và quản lý, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận thứ hạng sao, quảng cáo sai chất lượng xếp hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch. Các ĐB đề nghị ban soạn thảo quy định lại theo hướng xếp hạng cơ sở lưu trú phải là quy định bắt buộc, không loại trừ bất kỳ một đối tượng nào.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã tiếp thu các ý kiến của ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội thông qua ở kỳ họp tới.
* Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), các ĐBQH đồng tình khẳng định, việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp cho loại hình giao thông có vị trí xương sống này. Luật sửa đổi phải tạo hành lang pháp lý thuận lợi khuyến khích các nguồn lực tham gia phát triển giao thông đường sắt, có như vậy mới phát huy tối đa hệ thống vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển đất nước. ĐB Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) rất ít nội dung liên quan đến hỗ trợ phát triển công nghệ công nghiệp đường sắt. ĐB đề nghị cần rà soát bổ sung vấn đề này vào dự luật, trong đó phải nêu rõ đối tượng sẽ được ưu đãi để phát triển.
Cho rằng mỗi dự án đường sắt đô thị sử dụng một công nghệ khác nhau, ĐB Nguyễn Phi Thường đề nghị phải xây dựng những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, tránh tình trạng làm đường sắt kiểu “dò đá qua sông”. Mặt khác, dự án luật cũng cần tạo cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đường sắt đô thị khai thác các nhà ga, bảo đảm kết nối đường sắt đô thị với vận tải liên tỉnh, với các tuyến xe, các phương tiện giao thông công cộng khác. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên - Huế) nhấn mạnh: “Phải xác định rõ đường sắt là loại hình độc đạo, từ đó có ưu tiên và đầu tư đặc biệt để phát triển”.
Đề cập đến vấn đề mất an toàn đường sắt, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn Ninh Thuận) cho biết, toàn mạng đường sắt có hơn 4.300 đường dân sinh chạy cắt qua, dù hầu hết chưa được phép. Vì đường dân sinh mở khi chưa được phép, không có cảnh giới, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc thời gian qua. ĐB đề nghị, phải giao trách nhiệm chính cho Ngành GT-VT và các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện việc cảnh báo an toàn trên toàn tuyến đường sắt, còn địa phương chỉ là phối hợp. Bàn thêm về vấn đề này, ĐB Nguyễn Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên - Huế) cho biết, nhiều đoạn đường sắt chỉ trong vòng 1km mà có tới 10-15 đường ngang dân sinh. ĐB đề nghị dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) quy định chặt chẽ về vấn đề này theo hướng không nên cho mở đường ngang dân sinh mà phải mở đường gom, mỗi đường gom mở ra sẽ giảm được 20 đường ngang dân sinh.
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ GT-VT Trương Quang Nghĩa ghi nhận, tiếp thu các ý kiến ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) trước khi trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba.
Bên lề |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.