Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô

Hồng Sơn| 30/06/2016 06:45

(HNM) - Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội vừa thông qua Chương trình 03-CTr/TU về


Phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xã hội

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ năm diễn ra ngày 27-6 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: Thủ đô và cả nước đang thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong thời kỳ có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế Thủ đô vừa vượt qua giai đoạn khó khăn, song phục hồi chậm, bộc lộ rõ hơn những yếu kém trong quá trình hội nhập. Do đó, mục tiêu của Chương trình 03-CTr/TU là tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành


Xuất phát từ thực tiễn và kết quả đạt được thời kỳ 2011-2015, định hướng phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Nghị quyết XII của Đảng và Nghị quyết XVI của Đảng bộ thành phố, mục tiêu của Chương trình 03-CTr/TU là: Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng: Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức mạnh cạnh tranh cao nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng tốt các cơ hội giảm thiểu rủi ro trong quá trình hội nhập.

Để thực hiện mục tiêu này, Chương trình 03-CTr/TU xác định tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm và 12 chỉ tiêu phát triển chủ yếu giai đoạn 2016-2020. Tất cả những nội dung này nhằm tới điểm đích chung nhất là phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa và duy trì ổn định xã hội.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, vững vàng hội nhập kinh tế quốc tế

Bốn định hướng lớn để phát triển kinh tế Thủ đô trong 5 năm tới bao gồm: Cải thiện xếp hạng về môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh; Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững; Tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, phát triển các thành phần kinh tế; Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế Thủ đô.

Về cải thiện xếp hạng môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của thành phố, mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 Hà Nội có trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Để thực hiện điều này, thành phố sẽ cải thiện toàn diện các yếu tố căn bản tác động đến môi trường kinh doanh; tạo môi trường hấp dẫn, thân thiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn thành công và lâu dài trên địa bàn; bảo đảm các loại thị trường hàng hóa, lao động, chứng khoán, bất động, khoa học công nghệ… vận hành đầy đủ, thông suốt và ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho phát triển. Những điểm yếu kéo dài nhiều năm qua, sắp tới sẽ được giải quyết căn bản hơn, nhất là khâu công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, đồng thời tăng cường tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng được đặt ra như: Rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh, nâng tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng lên trên 50%; thời gian đăng ký kinh doanh tối thiểu là 2 ngày; thời gian tiếp cận điện năng còn dưới 26 ngày; đến năm 2020, bỏ hình thức thu tiền điện trực tiếp tại nhà hoặc trụ sở; thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội còn dưới 155 giờ/năm; tỷ lệ kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 95%; tỷ lệ người hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp 80%...

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức được thành phố triển khai theo hướng lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển một số ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, dịch vụ Hà Nội có ưu thế như: Dịch vụ hàng không, viễn thông, CNTT (cả phần mềm và phần cứng), tự động hóa, KHCN, chăm sóc sức khỏe công nghệ cao, giáo dục đào tạo… Tập trung phát triển du lịch cả về quy mô và chất lượng. Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.

Về công nghiệp, thành phố tập trung rà soát, phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn giai đoạn 2016-2020. Tập trung phát triển nhanh một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường, đồng thời khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn tư nhân, tạo ra một mạng lưới các vệ tinh sản xuất và xuất khẩu cho các công ty lớn.

Trong 5 năm tới, thành phố thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao, hài hòa và bền vững với môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, chăn nuôi và dịch vụ chiếm 54,5% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, phát triển các thành phần kinh tế là một mục tiêu lớn để tăng hiệu quả cho nền kinh tế. Thành phố sẽ tăng cường giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước; nâng cao trách nhiệm các thành phần kinh tế, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp.

Đón bắt thời cơ lớn từ quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, thành phố sẽ chủ động thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước và có uy tín trong khu vực; nơi tổ chức an toàn các sự kiện quốc tế lớn, các hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước.

Có thể nói, với 4 trụ cột được xác định tại Chương trình 03-CTr/TU, kinh tế Thủ đô trong giai đoạn 2016-2020 sẽ có những đòn bẩy mới để phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020

-Tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5-9%/năm (trong đó dịch vụ
7,8-8,3%, công nghiệp - xây dựng 10-10,5%, nông nghiệp 3,5-4%).
- Cơ cấu kinh tế năm 2020: Dịch vụ chiếm 67-67,5%; công nghiệp - xây dựng 30-30,5%, nông nghiệp 2,5-3%.
- GRDP bình quân đầu người 140-145 triệu đồng/năm (khoảng 6.700-6.800 USD)
- Huy động vốn đầu tư xã hội: 2,5-2,6 triệu tỷ đồng.
- Năng suất lao động xã hội tăng bình quân: 6,5%.
- Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo: 70-75%.
- Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội: Dưới 20%.
- Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: Dưới 4%.
- 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn quốc gia tương ứng.
- Xếp hạng các chỉ số PAPI, PCI: Trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.
- Kim ngạch xuất khẩu tăng: 8-9%.
- Năm 2020, các cơ sở lưu trú đón 18 triệu khách du lịch (tăng trung bình 10%/năm), trong đó 4,1-4,7 triệu khách quốc tế (tăng 12-15%).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.