Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo điều kiện tối đa cho hạt nhân các giải đấu thể thao lớn

Mai Hoa| 20/03/2013 06:01

(HNM) - Những ngày qua, tin vui liên tiếp đến với thể thao Hà Nội. Ở các giải đấu cấp quốc gia theo hệ thi đấu Cúp dành cho các CLB của nhiều môn như đua thuyền rowing, canoeing, lặn… đoàn Hà Nội liên tục giành vị trí nhất toàn đoàn với ưu thế vượt trội.


Ở tầm quốc tế, việc VĐV Hà Nội Nguyễn Hà Thanh giành HCB thế giới môn Thể dục dụng cụ thực sự làm nức lòng các nhà quản lý và chuyên môn. Những kết quả đáng khích lệ ấy giúp người làm nghề tự tin hơn trong việc hoạch định chiến lược đầu tư cho các VĐV trọng điểm. 

VĐV môn TDDC Nguyễn Hà Thanh.


Có được những thành công ấy, một phần vì đó đều là các môn thế mạnh của Hà Nội, được đầu tư có hệ thống, lâu dài và bài bản. Nhưng phần khác, quan trọng hơn, là việc các bộ môn đều đã xác định rõ năm 2013 là năm bản lề chuẩn bị cho các đại hội thể thao lớn, và tất cả đều ý thức phải nỗ lực vào cuộc ngay từ bây giờ để có thể hoàn thành nhiệm vụ duy trì vị thế dẫn đầu của thể thao Thủ đô trong làng thể thao cả nước, góp nhiều gương mặt vào ĐTQG, ghi danh trên bảng vàng thể thao toàn quốc và quốc tế. Tại buổi giao ban thường kỳ (2 tuần/lần) với lãnh đạo hơn 40 bộ môn, phân môn ngày 18-3, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Nguyễn Đình Lân một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của "năm bản lề" này, đồng thời nêu rõ các yêu cầu đối với từng đơn vị, trong đó việc xác định rõ các hạt nhân mũi nhọn, xây dựng cơ chế đặc thù được đặt lên hàng đầu. Ông Nguyễn Đình Lân nhấn mạnh: Phòng Thể thao thành tích cao sẽ là đầu mối để rà soát, xác định danh tính và xây dựng danh sách khoảng 50 VĐV trọng điểm đầu tư cho ASIAD và Olympic, đồng thời, chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế đặc thù cho các VĐV, nêu rõ các yêu cầu về quản lý, chế độ chăm sóc, đề xuất các giải pháp về dinh dưỡng - y học. Với các VĐV đã có thành tích tiệm cận với HCV ASIAD, HC Olympic, Hà Nội sẽ có chính sách ưu tiên tối đa. Ví như trường hợp của Nguyễn Hà Thanh (TDDC), Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện về ăn, ở, tập luyện, bố trí chuyên gia huấn luyện, phối hợp cùng Tổng cục TDTT đưa đi tập huấn và thi đấu nước ngoài để rèn tâm lý, bản lĩnh và hoàn thiện kỹ thuật. Trang thiết bị tập luyện và y học thể thao cũng được đặc biệt quan tâm, bởi theo ông Lân, "với các hạt nhân thể thao đỉnh cao, nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho VĐV là cực kỳ quan trọng". Chính vì vậy, chủ trương của Hà Nội là cố gắng đầu tư những trang thiết bị tốt nhất nhằm bảo đảm điều kiện tập luyện an toàn cho VĐV. Xung quanh vấn đề này, Trưởng bộ môn thể dục Hà Nội Trương Tuấn Hiền cho biết, nhà tập và thi đấu rộng hơn 1.500m2 dành cho các VĐV Thể dục nằm trong khuôn viên trung tâm có rất nhiều trang thiết bị mới để sau khi hoàn thiện vào cuối tháng 3 sẽ hiện đại không kém, thậm chí có phần hơn, so với nhà tập tại Trung tâm Huấn luyện và Thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn), đạt yêu cầu tổ chức các giải trẻ. Về lâu dài, nếu được trang bị thêm hệ thống bảo hiểm, lưới bật chất lượng cao, đây có thể trở thành địa điểm tập huấn tốt cho VĐV cấp đội tuyển quốc gia.

Cùng với TDDC, các môn có các hạt nhân từng vượt qua vòng loại Olympic hoặc có HC ASIAD, HC tại các giải Châu Á và thế giới như vật, đua thuyền rowing, bắn cung… đều được chú trọng đầu tư. Sắp tới, một phòng tập thể lực cũng sẽ được xây dựng tại trung tâm nhằm tạo môi trường tập luyện thực sự tốt cho VĐV.

"Năm 2014 có Đại hội TDTT toàn quốc, Hà Nội có nhiệm vụ bảo vệ ngôi nhất toàn đoàn. Còn tại ASIAD 2014, Hà Nội phải phấn đấu có VĐV đoạt HCV. Xa hơn là Olympic 2016 và ASIAD 2019 cũng phải tính đến ngay từ bây giờ. Những nhiệm vụ ấy đòi hỏi các nhà quản lý và chuyên môn phải "bắt nhịp" thật sớm. Hà Nội vốn có lực lượng hùng hậu, nên đến giai đoạn này, có thể “nhặt” những gương mặt xuất sắc nhất để đầu tư thực sự trọng điểm" - ông Nguyễn Đình Lân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện tối đa cho hạt nhân các giải đấu thể thao lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.