(HNM) - Theo chương trình nghị sự, ngày 6-4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Tiếp cận thông tin.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, luật sẽ "dọn đường" để các cơ quan nhà nước chủ động cung cấp thông tin. Theo đó, các địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở phải coi cung cấp thông tin là việc thường ngày, để quyền dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra được bảo đảm.
PGS.TS Lê Minh Thông |
- Có ý kiến cho rằng, kể cả khi đã có Luật Tiếp cận thông tin, việc nắm bắt các thông tin về tài chính, ngân sách rất khó, nếu cơ quan hữu trách không thiện chí. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Hầu hết các thông tin mà người dân quan tâm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, các thông tin này cơ bản do cơ quan nhà nước tạo ra hoặc nắm giữ, hiện đang được cung cấp công khai tại bộ phận một cửa các sở, ngành, quận, huyện. Nay quy định các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin sẽ khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công khai, minh bạch hoạt động trước nhân dân. Càng chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác, các cơ quan nhà nước càng làm chủ được "trận địa" thông tin và khẳng định tính chính xác, chính thống của nguồn tin.
Trước đây có chuyện mua thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch để tận dụng làm giàu nhưng khi luật được thông qua, các thông tin đã được công khai ở mức cao thì việc đầu cơ thông tin sẽ không còn ý nghĩa.
Còn việc cung cấp, công khai các thông tin liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách của tổ chức, đơn vị đã được quy định tại các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Thực hiện tốt các quy định này cũng sẽ khắc phục được tình trạng trên.
- Nếu điều chỉnh trong dự án Luật Tiếp cận thông tin tất cả các quy định về việc tiếp cận thông tin của công dân đang được quy định trong các luật khác thì sẽ dễ thực hiện hơn, thưa ông?
- Hiện nay, quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực, việc tiếp cận này có tính chất, trình tự, thủ tục và thời gian rất khác nhau. Do đó, không thể pháp điển hóa tất cả các quy định có liên quan đến tiếp cận thông tin của công dân để đưa vào luật này được. Tuy nhiên, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, trong dự thảo luật này đã liệt kê rõ loại thông tin công dân được tiếp cận; loại thông tin công dân không được tiếp cận và loại thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện. Có luật rồi, cơ quan nào không làm đúng, gây khó dễ cho công dân sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Tại nhiều phiên họp của Quốc hội, không ít đại biểu đã góp ý về tình trạng lạm dụng đóng dấu mật. Tại sao không ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đồng thời với Luật Tiếp cận thông tin giúp người dân biết rõ ràng những loại thông tin nào, văn bản nào thuộc danh mục bí mật nhà nước?
- Đúng là Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 còn có một số điểm hạn chế. Phải tổng rà soát lại các quy định, văn bản liên quan đến việc đóng dấu mật, làm rõ cái gì thì được coi là mật, cái gì không mật, độ mật thế nào, giải mật thế nào, để hạn chế tình trạng tùy tiện đóng dấu mật. Việc này gây ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp, báo chí.
Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đã đưa dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vào chương trình và cũng đã phân công cơ quan soạn thảo. Quan điểm của tôi là càng phân định rõ thông tin nào mật, cấp độ mật sẽ càng tránh được nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình triển khai.
- Với trình độ nhân lực hiện nay, việc giao cho UBND cấp xã cung cấp thông tin có vượt quá khả năng?
- Không hẳn vậy. Chính quyền cấp xã là cấp cơ sở gần dân nhất. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc tiếp cận thông tin, hạn chế việc phải đi lại khi muốn tiếp cận thông tin, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định cơ quan ở cấp tỉnh, cấp huyện cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình nắm giữ nên phần nào giảm bớt áp lực cung cấp thông tin cho UBND cấp xã.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.