(HNMO) - Để tiếp tục tạo điều kiện để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp trước diễn biến dịch Covid-19 kéo dài, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi, thời gian giãn nợ, miễn, giảm lãi, phí đều được "nới" dài hơn, bởi khi ban hành Thông tư 01, không thể lường trước dịch Covid-19 sẽ kéo dài và phức tạp như vậy. Cụ thể, đối với điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đáp ứng điều kiện: Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Nhưng, tại Thông tư 01 sửa đổi, thời gian được nới ra là "phát sinh trước ngày 25-4-2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2020".
Cũng theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh trước ngày 25-4-2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2020 và các khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc, lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm gần nhất trước ngày 23-1-2020 bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến ngày 29-3. Giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) đối với số dư nợ phát sinh từ ngày 23-1 đến trước ngày 25-4-2020, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định...
Cho đến thời điểm này, Thông tư 01 sửa đổi chưa được chính thức ban hành, nhưng cả ngân hàng và doanh nghiệp đang "ngóng", vì nhiều doanh nghiệp chưa có khả năng thanh toán nợ. Nếu Thông tư 01 sửa đổi không sớm được ban hành, không ít khoản nợ của doanh nghiệp sẽ bị rơi vào nợ xấu và doanh nghiệp không có khả năng tiếp tục vay vốn ngân hàng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, quan điểm sửa đổi Thông tư 01 là phải đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những khó khăn của dịch bệnh, bão lũ cũng như những khó khăn đột xuất trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc này dựa trên nguồn lực của ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn của hệ thống. Thông tư 01 sửa đổi cũng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại thực hiện các chương trình hỗ trợ phù hợp với điều kiện năng lực của từng ngân hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.