(HNM) - Chính sách tín dụng tốt, được điều hành đúng và trúng, chính là “át chủ bài” giúp nền kinh tế thêm nhiều cơ hội phục hồi. Xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân - vốn chịu tác động của đại dịch Covid-19 - là nhiệm vụ trọng tâm, từ đầu năm 2022 đến nay, hệ thống ngân hàng đang triển khai nhiều chính sách kịp thời, tạo sức bật để cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Với việc kiểm soát được dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta ngày càng có dấu hiệu khởi sắc. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang dần thích ứng với tình hình mới, kéo theo nhu cầu về vốn tăng trong toàn xã hội. Bằng những chính sách phù hợp và kịp thời, các ngân hàng đã duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý, giúp doanh nghiệp có điểm tựa phục hồi. Với diễn biến tích cực này, tín dụng ngân hàng từ đầu năm đến ngày 10-3 đã tăng 3,11% so với cuối năm trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh việc xác định tỷ lệ lãi suất cho vay phù hợp, nhiều ngân hàng thương mại đã có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp với chính sách ưu đãi và quy mô lên đến trăm nghìn tỷ đồng. Những chương trình này hiện đã được nhiều đơn vị triển khai, như: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam..., hướng đến mục tiêu tập trung vốn cho nền kinh tế phục hồi nhanh nhất.
Từ thực tế hiện nay, dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao và việc tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng là điều hoàn toàn có thể tính đến. Quan trọng là làm sao để dòng vốn đến được đúng “địa chỉ”, qua đó phát huy hiệu quả cao nhất.
Muốn vậy, ngành Ngân hàng cần có sự chuẩn bị để đáp ứng đủ vốn cho thị trường; có chiến lược điều tiết tín dụng trong trung hạn, dài hạn, dựa trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Điều hành linh hoạt các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chặt dòng tiền với lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro; định hướng cơ cấu tín dụng bảo đảm vừa phù hợp với chuyển dịch của nền kinh tế, vừa “ăn nhịp” với yêu cầu kiểm soát lạm phát...
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 và tình hình thế giới phức tạp hiện nay, việc duy trì sức mạnh nội sinh của nền kinh tế là đặc biệt quan trọng. Vì thế, hoạt động cho vay nên ưu tiên với ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi cao, phát triển bền vững, tạo sức lan tỏa song cũng không quên dành vốn cho tổ chức, cá nhân khu vực nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, để khối này “góp gió thành bão”, tạo “khối đế” vững vàng cho nền kinh tế.
Mỗi đồng vốn tín dụng như một điểm tựa, giúp các tổ chức, cá nhân tháo gỡ khó khăn về tài chính. Với ý nghĩa đó, các ngân hàng cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng hành, giúp sức doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận được vốn nhanh, hợp pháp. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo sự liên kết lành mạnh, cùng có lợi cho cả hai bên.
Hoạt động tín dụng của ngành Ngân hàng bao trùm lên tất cả hoạt động kinh tế - xã hội, bởi đây là hoạt động gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế. Với những giải pháp linh hoạt, kịp thời, ngành Ngân hàng sẽ tạo điểm tựa hữu hiệu, kích đẩy nền kinh tế phục hồi, phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.