(HNM) - Trong những năm gầy đây, nhiều liên đoàn các môn thể thao khá mới mẻ đã lần lượt ra mắt tại Hà Nội. Dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhân rộng phong trào tập luyện, song những người có trách nhiệm vẫn đang nỗ lực tìm nguồn xã hội hóa, tạo đà phát triển cho các môn thể thao mới.
Vận hành theo hướng chuyên nghiệp
Sau nhiều năm hoạt động theo mô hình phong trào, nhiều môn thể thao mới tại Việt Nam như trượt băng nghệ thuật, bóng chày, triathlon (ba môn thể thao phối hợp: Bơi lội, đạp xe, chạy bộ)… đã có bước tiến đáng kể, khi chính thức có giải đấu thuộc hệ thống quốc gia, thi đấu thành tích cao.
Chẳng hạn, cuối tháng 9-2022, Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam lần đầu tổ chức Giải vô địch quốc gia trượt băng nghệ thuật với sự tranh tài của 17 vận động viên tham gia thi đấu các nội dung theo nhóm tuổi. Theo Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam Mai Khắc Thọ, trượt băng nghệ thuật là môn thể thao còn mới mẻ ở Việt Nam và rất ít người tập luyện, gần như chỉ có vận động viên tại các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tham gia. Dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí và điều kiện tập luyện, song Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam vẫn quyết tâm tổ chức Giải vô địch quốc gia để các vận động viên có một sân chơi, trình diễn chính thức theo hướng chuyên nghiệp.
Tương tự, Giải vô địch các câu lạc bộ bóng chày toàn quốc năm 2022 lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 7-2022 tại thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của 168 vận động viên thi đấu cho 8 đội bóng đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Cũng trong tháng 7-2022, lần đầu tiên Giải vô địch các câu lạc bộ triathlon toàn quốc năm 2022 được tổ chức, thu hút đông đảo những vận động viên triathlon chuyên nghiệp tham gia.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao, kiêm Chủ tịch Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam Trần Đức Phấn, Giải vô địch các câu lạc bộ bóng chày toàn quốc năm 2022 là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của bóng chày trong tương lai. Qua lần đầu tổ chức, Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam hy vọng giải sẽ là tiền đề để bộ môn thể thao Olympic này phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, với nhiều câu lạc bộ có chất lượng chuyên môn cao để tham dự các giải đấu quốc tế.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phương, phụ trách bộ môn triathlon (Tổng cục Thể dục - Thể thao), lần đầu tiên môn triathlon được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 nên nhiều đơn vị đã đầu tư mạnh cho vận động viên nòng cốt. Nhiều vận động viên từng là tuyển thủ các môn bơi, điền kinh và đạp xe đã chuyển sang tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp môn triathlon...
Đẩy mạnh xã hội hóa
Một điểm chung giữa các môn trượt băng nghệ thuật, bóng chày và triathlon là đều còn mới mẻ tại Việt Nam, điều kiện sân bãi khó khăn, chi phí tập luyện tốn kém, nếu không có nguồn lực xã hội hóa đồng hành hỗ trợ thì rất khó hoạt động.
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam Trịnh Trang, bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước cùng với nguồn kinh phí do Liên đoàn Trượt băng thế giới (ISU) hỗ trợ, Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam nhận được sự đồng hành của một số doanh nghiệp. Đây là cơ sở để Liên đoàn tự tin xây dựng đội ngũ huấn luyện viên, giám khảo đạt chuẩn quốc gia, chủ động trong công tác tổ chức những hoạt động chuyên môn, mở ra nhiều cơ hội cho các vận động viên Việt Nam tham gia giải quốc gia và thi đấu quốc tế.
Trong khi đó, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao, kiêm Chủ tịch Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam Trần Đức Phấn cho biết, Liên đoàn đã bổ sung thêm nhân sự gồm 2 phó chủ tịch (1 người đến từ lĩnh vực kinh doanh, 1 người tới từ lĩnh vực truyền thông). Việc bổ sung nhân sự của Liên đoàn không ngoài mục đích tăng cường thêm sự hiệu quả về kêu gọi nguồn xã hội hóa để bảo đảm cho các hoạt động chuyên môn trong tương lai.
Còn theo Trưởng phòng Quản lý Thể dục - Thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đinh Văn Luyến, nhằm tạo điều kiện cho một số bộ môn thể thao mới phát triển, cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu cơ chế chuyển giao một phần cơ sở vật chất như nhà thi đấu, sân vận động... cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao quản lý để những đơn vị này có cơ sở hoạt động, phát triển các môn thể thao mới.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Sở đã đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư các cơ sở thi đấu; khuyến khích các liên đoàn tìm kiếm nguồn lực xã hội, tổ chức thêm những giải đấu, tạo nhiều sân chơi chuyên nghiệp cho vận động viên tham gia các môn thể thao mới. Qua đó, phát hiện các tài năng, thành lập đội tuyển của Hà Nội, tham gia thi đấu thể thao thành tích cao ở những giải đấu quốc gia cũng như quốc tế, đóng góp vào thành tích chung của thể thao Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.