(HNM) - Nông nghiệp không chỉ là bệ đỡ của nền kinh tế mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định xã hội. Trong bối cảnh hiện tại, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi ngành Nông nghiệp Hà Nội phải có bước chuyển mới hướng tới hai mục tiêu lớn là thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Tại Kết luận Hội nghị lần thứ hai mươi ba Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI (chiều 22-4), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo: Phấn đấu giá trị gia tăng năm 2020 tăng trên 4%...
Mục tiêu này cho thấy quyết tâm rất lớn của Hà Nội trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Điều này càng mang nhiều ý nghĩa nếu đặt trong bối cảnh những năm gần đây, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp không vượt qua mức 2,5% và trong quý I năm nay, sụt giảm tới 1,17% so với cùng kỳ năm trước… Chưa kể những diễn biến bất thường từ biến đổi khí hậu cũng như tác động của dịch Covid-19 tới sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân.
Để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển mạnh ngành Nông nghiệp đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai mươi ba Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng như các địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với nhận thức mới, quyết tâm mới.
Để tạo đà tăng trưởng, trước hết ngành Nông nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất, đẩy mạnh tái đàn lợn lên mức 1,8 triệu con và tăng cường sản xuất thêm rau, củ, quả nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của thành phố. Bên cạnh việc nâng cao công tác dự tính, dự báo, phát hiện và xử lý sớm các bệnh trên cây trồng để không lây lan, phát sinh thành dịch, cần tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng nhằm tạo sự ổn định, làm nền tảng để phát triển sản xuất.
Đặc biệt, trong bối cảnh giá thịt lợn tăng như hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu là đẩy nhanh công tác tái đàn, khôi phục đàn lợn. Và để làm được điều đó, cùng với việc bảo đảm nguồn cung ứng thức ăn cho chăn nuôi, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lợn nái không bán giống ra ngoài tỉnh, góp phần giải bài toán con giống cho việc tái đàn. Qua đó sớm đáp ứng tốt và ổn định nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt của người dân.
Để bảo đảm nguồn cung lương thực, rau quả cho người tiêu dùng Thủ đô thì việc giữ vững diện tích vụ mùa, mở rộng diện tích vụ đông cần được coi là một giải pháp cốt lõi. Vụ đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hầu hết diện tích là những loại cây có giá trị kinh tế cao, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Việc Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các huyện tăng 55% diện tích cây vụ đông so với các năm trước, đồng thời điều chỉnh phù hợp về diện tích gieo trồng, cơ cấu giống… sẽ giải được bài toán thúc đẩy tăng trưởng bên cạnh việc bảo đảm nhu cầu tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.
Mặt khác, cùng với việc gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân qua việc phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, cần rà soát diện tích ruộng bỏ hoang để xây dựng kế hoạch chuyển đổi. Ví dụ với diện tích xen kẹt tại các khu dân cư, cụm công nghiệp khó khăn trong việc tưới tiêu, bảo vệ thực vật có thể chuyển sang trồng cây lâu năm… Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, các địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân không bỏ ruộng, yên tâm sản xuất.
Đồng bộ triển khai các giải pháp với quyết tâm mới, Nông nghiệp Hà Nội không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng 4,04% mà còn bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, đồng thời tạo đà cho các bước phát triển mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.