Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo cơ chế đặc thù khai phóng các nguồn lực của thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Lê| 30/03/2023 15:34

(HNMO) - Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh lần 5 (mới nhất), đã đưa ra 7 nhóm cơ chế đặc thù để phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

Ngày 30-3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54 của Quốc hội).

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại tọa đàm.

Nguồn lực đất đai chưa thể phát huy

Góp ý tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho rằng, nguồn lực rất quan trọng sẵn có của thành phố Hồ Chí Minh là đất đai, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực này.

Theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, cần có quy chế hợp lý hơn về xác định giá đất; về tổ chức đấu giá, đấu thầu; về giải phóng mặt bằng, bồi thường, thu hồi. Đối với việc tạo quỹ đất, nhà nước có thể đầu tư hạ tầng ban đầu để nâng giá trị sử dụng đất, sau đó chuyển giao quyền sử dụng cho nhà đầu tư trên nguyên tắc bán một lần, thu tiền sử dụng đất một lần, xác lập quyền sử dụng đất ổn định. 

“Nhà nước tạo khuôn khổ, đề ra mô hình. Doanh nghiệp sẽ đầu tư”, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Phan Thanh Bình (nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), “chiếc áo” của thành phố Hồ Chí Minh hiện đã “chật”, nên cần định hình mô hình mới để đáp ứng đòi hỏi phát triển trong giai đoạn tới.

“Trước đây, thành phố Hồ Chí Minh định hướng phát triển thành phố theo mô hình một trung tâm và các vệ tinh. Bây giờ nhiều địa phương khác cũng theo mô hình này. Thành phố cần nghiên cứu mô hình mang tính đặc thù mới tạo sức bật như kỳ vọng”, PGS.TS Phan Thanh Bình nhìn nhận.

Ông Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) góp ý kiến tại buổi tọa đàm.

Cũng góp ý tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho rằng, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội cần mở rộng phạm vi tác động đến cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như thế mới phát huy vai trò hạt nhân của thành phố trong toàn vùng, đồng thời tháo gỡ các rào cản của các dự án mang tính liên kết vùng.

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng ủng hộ mô hình TOD (Transit Oriented Development) - mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng - đã được đề cập trong dự thảo (lần 5) của nghị quyết. Mô hình này sẽ giúp tạo ra các quỹ đất và sử dụng quỹ đất đó cho mục đích phát triển giao thông công cộng - hạ tầng mà thành phố hiện đang thiếu nguồn lực đầu tư.

Khai phóng các nguồn lực

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, thành phố không đặt trọng tâm cơ chế khai thác nguồn thu, mà đề xuất thí điểm các cơ chế vượt trội mang tính đột phá nhằm huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng để phát triển thành phố.

“Đây là điểm mới cơ bản của nghị quyết này”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, các cơ chế, chính sách đặc thù này có những nội dung mà hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định, hoặc đã có quy định nhưng còn chồng chéo, không giải quyết được các vấn đề mà thành phố đang gặp vướng mắc.

Người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội nhằm thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội sẽ tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để khai phóng các nguồn lực phát triển nội tại, huy động tối đa nguồn lực từ xã hội để thành phố trở thành cực tăng trưởng của nền kinh tế cả nước, có năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ chế đặc thù khai phóng các nguồn lực của thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.