(HNM) - Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm đến công tác này từ việc đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chọn gửi nhiều tài năng trẻ đi học tập, nghiên cứu, đào tạo ở nước ngoài, tiếp cận các công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới đến xây dựng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc, các văn nghệ sĩ tài năng, các cán bộ khoa học trẻ; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ; tạo điều kiện thuận lợi để các tài năng rèn luyện, cống hiến trưởng thành.
Từ sự quan tâm đó, các hình thức câu lạc bộ, cuộc thi, giải thưởng dành cho tài năng trẻ, gương mặt trẻ ngày càng đa dạng, phong phú. Các hoạt động phát hiện, biểu dương, tôn vinh được tổ chức khá tốt ở các cấp, tạo điều kiện hỗ trợ, bồi dưỡng tài năng trẻ, gương mặt trẻ triển vọng trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Song tôi nhận thấy vẫn thiếu cơ chế về môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện để tài năng trẻ phát huy sự sáng tạo. Trên thực tế, bản thân các tài năng nói chung và tài năng trẻ nói riêng luôn cần một môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ, đam mê và vun đắp các hoài bão, khát vọng lớn lao. Chính vì vậy, việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi để tài năng trẻ phát huy trí tuệ, năng lực của bản thân là rất quan trọng.
Trước hết, tôi mong muốn Đảng, Nhà nước xem xét, từng bước xác lập cơ chế, chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ các nhà khoa học, trí thức, tài năng trẻ thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tiễn... góp phần phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế cần được hiểu theo nghĩa bao hàm, đó là cơ chế đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người trẻ về tất cả các vấn đề trong học tập, nghiên cứu khoa học, cơ chế chính sách, cơ sở vật chất phục vụ học tập và nghiên cứu... Qua đó kịp thời có biện pháp giải quyết triệt để các kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà cán bộ trẻ gặp phải trong quá trình học tập, làm việc hoặc nghiên cứu khoa học. Tiếp đó là cơ chế về chính sách, cần ban hành các chính sách mới nhằm thu hút, hỗ trợ, trọng dụng và phát huy tài năng trẻ phục vụ phát triển khoa học công nghệ. Đặc biệt, cần chú trọng, quan tâm, chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho người trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng có năng khiếu, tài năng, triển vọng trên các lĩnh vực, từ đó tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, đề cao sự sáng tạo, khuyến khích sự đam mê tìm tòi cái mới, có động lực phấn đấu vì một mục đích chung.
Cuối cùng tôi muốn đề cập đến các cơ chế, chính sách phù hợp để động viên hỗ trợ và phát huy tài năng trẻ, tránh chảy máu chất xám, lãng phí nguồn tài nguyên trí tuệ của thanh thiếu niên. Đôi khi các quyền lợi về tinh thần có giá trị động viên và sức thuyết phục lớn hơn rất nhiều các quyền lợi về vật chất. Các nhà khoa học trẻ, trí thức trẻ cần được bảo đảm một số quyền lợi cơ bản như: Quyền được tiếp cận thông tin một cách bình đẳng, quyền có cơ hội phát triển chuyên môn - kỹ năng - năng lực - phẩm chất - tầm nhìn, quyền được bảo vệ, bảo hộ các nghiên cứu khoa học, quyền được tự do sáng tạo... Từ những quyền đó, các nhà khoa học trẻ hoàn toàn có thể tự tin, chủ động tìm kiếm nguồn lực, phát huy tối đa năng lực sáng tạo cho phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.