(HNM) - Bị phá dỡ, bị bê tông hóa hay đối diện với nguy cơ xóa sổ là những gì đang diễn ra với nhiều di sản có giá trị nhưng chưa được xếp hạng trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần tạo cơ chế bảo vệ di sản chưa có danh hiệu, nhằm giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, dung hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với lưu giữ, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cho muôn đời sau.
Thường trực nguy cơ mai một
Ngay trước ngày Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra quyết định giao các đơn vị liên quan lập hồ sơ để bảo tồn di tích (ngày 10-2-2020), tòa nhà 1 tầng thuộc cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng đã bị đơn vị quản lý (Công ty cổ phần Xây dựng thương mại dịch vụ văn hóa) phá dỡ một gian và toàn bộ phần mái, gây nên nhiều hẫng hụt, tiếc nuối cho người yêu di sản. Được biết, dù chưa có danh hiệu, song tòa nhà đã được đánh giá là một công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa quan trọng, nơi phát đi Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946…, cùng nhiều dấu mốc văn hóa, lịch sử quan trọng khác của đất nước. Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Đinh Đức Hiếu cho biết: “Dù đại diện đơn vị quản lý đã nhận sai và mong muốn tìm phương án khôi phục nguyên trạng, nhưng để khắc phục được hậu quả là rất khó”.
Cũng bởi nguyên nhân chưa được xếp hạng, nhiều năm qua, Khu di chỉ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức thường trực nguy cơ bị xóa sổ do nằm trong phạm vi dự án xây dựng khu đô thị mới. Đáng nói, Khu di chỉ Vườn Chuối được nhiều chuyên gia khảo cổ, nhà nghiên cứu lịch sử xác định giá trị là “một phức hệ di chỉ cư trú - mộ táng quý hiếm, phát triển liền mạch qua các thời kỳ văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn thuộc giai đoạn tiền sử và sơ sử”. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, người dân thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Khu di chỉ Vườn Chuối hiện chỉ còn 3/6 di chỉ và có 2 di chỉ là gò Dền Rắn, Mỏ Phượng đã gần như mất dấu.
Trạm phát sóng Bạch Mai, Di chỉ Vườn Chuối chỉ là hai trong số những di sản văn hóa, lịch sử ở Hà Nội đứng trước nguy cơ bị mai một, xâm hại, do chưa có danh hiệu. Những năm qua, trên địa bàn thành phố không thiếu những vụ việc đáng tiếc xảy ra với lý do tương tự. Có thể kể đến tình trạng “bê tông hóa” toàn bộ ngôi đình 300 năm tuổi ở Lương Xá (Ứng Hòa) hay hiện tượng phá dỡ hoàn toàn di sản kiến trúc đô thị - khuôn viên Trường Đại học Dược, ở phố Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm), chưa kể hàng trăm di tích khác đã và đang xuống cấp hoặc bị vi phạm.
Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết, căn cứ vào quy định hiện hành, muốn xếp hạng di tích phải có đề nghị từ cơ sở. “Nhiều nơi do thiếu quan tâm, thậm chí nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề xếp hạng di tích, không muốn bị ràng buộc, quản lý mỗi khi sửa chữa, tu bổ nên chần chừ, trốn tránh việc làm hồ sơ xếp hạng...”, ông Nguyễn Doãn Văn nêu.
Ứng xử thận trọng, bổ sung quy định hiện hành
Thực tế trên khiến nhiều di tích có tuổi đời từ hàng trăm đến nghìn năm tuổi, chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo rơi vào tình trạng chưa được quan tâm đúng mức, yếu thế trước những lựa chọn, cân nhắc giữa bảo tồn và phát triển. Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành cho rằng, công tác quản lý, bảo tồn di tích đòi hỏi cách ứng xử thận trọng, linh hoạt, tạo lập đối thoại giữa chủ sở hữu di sản với chính quyền sở tại, từng bước xóa bỏ hiện tượng nơi không mặn mà đề nghị xếp hạng, nơi lại kêu cứu.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, những di tích chưa xếp hạng nhưng có giá trị đặc biệt, tiêu biểu, cần được đưa ngay vào diện bảo tồn, làm cơ sở khoanh vùng bảo vệ. Về lâu dài, các quy định hiện hành cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung để có thể bảo vệ ngay cả những di sản chưa được kiểm kê, công nhận. “Từ nay đến khi đó, các địa phương cần bổ sung cơ chế bảo vệ những di sản chưa được xếp hạng, nhưng có giá trị văn hóa, lịch sử được cộng đồng quan tâm, thừa nhận”, ông Tống Trung Tín đề xuất.
Hà Nội hiện có 5.922 di tích. Chiếm hơn nửa trong số đó là di tích chưa xếp hạng, chưa kể đến số chưa được kiểm kê, đưa vào danh mục bảo vệ. Con số này cho thấy, những thách thức của Thủ đô trong bảo đảm dung hòa giữa mục tiêu phát triển đô thị với bảo tồn di sản. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, năm 2013 thành phố Hà Nội đã ban hành danh sách các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 và danh sách 1.253 biệt thự cũ, làm cơ sở khoanh vùng bảo vệ các công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử tiêu biểu khi chưa được xếp hạng.
Cũng theo ông Tô Văn Động, ngày 25-2 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có buổi làm việc với các bên liên quan về việc bảo tồn cụm công trình lịch sử Trạm phát sóng Bạch Mai, thống nhất lập hồ sơ, làm thủ tục đề nghị UBND thành phố Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. “Đối với Khu di chỉ Vườn Chuối, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đo đạc hiện trạng, xác định chính xác vị trí, diện tích, đồng thời thực hiện khoanh vùng, khảo cổ trên một phần diện tích còn lại, nhằm tiếp tục khẳng định giá trị, làm cơ sở triển khai các hướng bảo vệ tiếp theo. Dự kiến, công tác này sẽ được khởi động trong tháng 3-2020”, ông Tô Văn Động cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.