Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến về chất lượng

Hồng Hạnh| 22/08/2015 07:10

(HNM) - Ngày 21-8, Bộ GD-ĐT và Cổng thông tin điện tử chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến

Đổi mới phương pháp dạy học sẽ giúp học sinh hứng thú tiếp thu bài giảng. Ảnh: Bảo Lâm


Giải quyết mối lo về môn lịch sử


Sự băn khoăn, lo lắng trước những điều chỉnh của dự thảo "Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể" áp dụng từ năm học 2018-2019 được thể hiện rõ trong nhiều câu hỏi dành cho các vị khách mời có mặt tại buổi tọa đàm, gồm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, PGS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên và bà Nguyễn Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội. Thu hút sự quan tâm của dư luận là các nội dung xoay quanh những thay đổi về hệ thống môn học, trong đó có lịch sử - môn học được cho là có vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh (HS) song lại đang tồn tại nhiều bất cập. Việc đưa lịch sử vào nhóm môn tự chọn có phù hợp hay không khi tình trạng HS lơ mơ về lịch sử nước nhà ngày càng đáng báo động? Sự điều chỉnh liệu có dẫn đến tình trạng không có HS đăng ký chọn học môn này không bởi trên thực tế trong các kỳ thi vài năm gần đây số thí sinh chọn thi môn lịch sử rất ít.

Trước những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, có thể coi lịch sử vừa là nội dung bắt buộc, vừa là nội dung tự chọn. Lý giải cho điều này, Thứ trưởng cho biết, chương trình giáo dục mới đây có rất nhiều môn học có bao hàm nội dung của môn lịch sử, ví dụ như môn công dân với Tổ quốc có nội dung về lịch sử, về quốc phòng - an ninh. Đây là môn học bắt buộc ở tất cả các khối lớp. Trong môn văn cũng có nhiều kiến thức lịch sử, môn địa lý cũng vậy… Còn nhóm môn tự chọn lịch sử dành cho những HS có nguyện vọng tìm hiểu, nghiên cứu sâu để sau này tham gia vào những ngành nghề liên quan đến lịch sử.

Tự tin với sự hấp dẫn vốn có của lịch sử và sự hứng thú của HS, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nêu dẫn chứng: Tại các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử gần đây, rất nhiều HS đã tham gia và đầu tư nhiều công sức cho việc này, điều đó khẳng định không phải là HS thờ ơ với môn lịch sử. Cùng nhận định này, bà Nguyễn Thu Anh bổ sung: Việc HS thờ ơ với môn học này hay không phụ thuộc nhiều vào giáo viên. Ở Trường Nguyễn Tất Thành, ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học, HS được tham gia nhiều hoạt động như thi "Em yêu lịch sử", tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ… Hầu hết HS đều rất hứng thú với hoạt động này, kể cả những HS học khối môn khoa học tự nhiên.

Không có giáo viên bị mất việc


Những thay đổi trong việc xây dựng chương trình môn học và hoạt động giáo dục của dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể làm dấy lên sự nghi ngại trong các nhà trường, nhất là với giáo viên (GV). Đội ngũ này có bị xáo trộn hay không, GV bộ môn có bị mất việc không khi chương trình mới đòi hỏi GV có khả năng dạy tích hợp nhiều môn? Liệu có tình trạng dư thừa GV khi HS được tự chọn môn học? Các trường sư phạm sẽ điều chỉnh cách thức đào tạo ra sao để đào tạo đáp ứng việc dạy tích hợp? Những câu hỏi trên được đặt ra tại buổi tọa đàm, không chỉ phản ánh mối âu lo từ phía các trường mà còn là câu hỏi lớn của toàn xã hội trước những dự kiến điều chỉnh có quy mô lớn của giáo dục. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Trong quá trình xây dựng chương trình mới, Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu cao nhất là tính khả thi và các nội dung điều chỉnh đã được nghiên cứu, thực nghiệm kỹ. Khoảng 90-95% GV hiện nay đều có thể thực hiện được các yêu cầu mới. Các nhà trường sẽ tận dụng nguồn nhân lực hiện có để đảm nhận nhiệm vụ chứ không phải chờ đào tạo GV mới. GV lịch sử có thể dạy phân môn lịch sử của môn khoa học xã hội, GV vật lý có thể dạy phân môn này của môn khoa học tự nhiên… Bởi vậy, các thầy cô giáo hoàn toàn yên tâm, không có ai bị mất việc khi áp dụng chương trình mới. Theo Thứ trưởng, điều quan trọng không phải là kiến thức chuyên môn mà là điều chỉnh cách thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Đây là những vấn đề đang được triển khai tốt ở các nhà trường. Chúng ta phải phát huy lợi thế hiện nay về mọi mặt để tạo chuyển biến về chất lượng.

Giải đáp về khả năng dư thừa GV khi tỷ lệ HS tự chọn các môn học chênh lệch nhau, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định sẽ không có tình trạng này. Ví dụ: HS không chọn toán, lý hoặc hóa thì sẽ chọn môn khoa học tự nhiên. Dù chọn thế nào thì vẫn là GV các môn này đảm trách. Với các môn khoa học xã hội cũng vậy.

Liên quan đến việc đào tạo GV đáp ứng yêu cầu mới, PGS.TS Phạm Hồng Quang cho biết, hiện nay, các trường sư phạm phân khoa theo các môn học riêng rẽ như văn, sử, địa, toán, lý, hóa… Sắp tới, nhà trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, xóa bỏ tình trạng "cát cứ môn học" như hiện nay. Việc phân khoa có thể vẫn theo mô hình hiện nay, nhưng nội dung đào tạo sẽ được điều chỉnh với mục tiêu hình thành năng lực để GV đáp ứng nhiệm vụ dạy học tích hợp.

Mấu chốt của việc đổi mới chương trình giáo dục lần này là hình thành năng lực, giúp HS vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Mục tiêu ấy đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng và sự đồng thuận của giáo viên, HS và toàn xã hội. Bởi thế, vẫn cần có sự lắng nghe từ phía ngành giáo dục trước khi triển khai sau 3 năm nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến về chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.