Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến về an toàn thực phẩm ở làng nghề

Ngọc Quỳnh| 12/05/2022 06:18

(HNM) - Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đã coi việc nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm là vấn đề “sống còn”. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ đang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.

Trước thực tế này, cơ quan chức năng cùng các địa phương của thành phố đang tập trung tạo chuyển biến mới trong nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh để làm ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Sản xuất miến dong tại làng nghề xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai). Ảnh: Phương Nga

Còn đó những tồn tại

Ông Vương Đình Bắc ở xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) cho biết, trung bình mỗi ngày, gia đình ông sản xuất khoảng 4 tấn miến dong; dịp Tết Nguyên đán hằng năm số lượng có thể tăng gấp đôi. Hiện hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề miến dong Tân Hòa đã thực hiện đầy đủ các quy định trong sản xuất, chế biến, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) Vương Sỹ Trung, trên địa bàn xã hiện có hơn 60 hộ dân làm nghề chế biến nông sản thực phẩm, thu hút hàng nghìn lao động. Ngoài việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm định kỳ, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho hay, Hoài Đức hiện có 52/54 làng có nghề, trong đó có 9 làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm được công nhận, như: Làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm Lưu Xá - Đức Giang; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế... Những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đã đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh trên thị trường. Do đó, nhiều sản phẩm làng nghề của Hoài Đức đã được đưa vào hệ thống siêu thị và xuất khẩu tới các thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các làng nghề vẫn còn những tồn tại nhất định. Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh thông tin, làng nghề làm bánh tẻ Phú Nhi tại phường Phú Thịnh có 45 cơ sở sản xuất. Sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi dù đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhưng một số hộ gia đình làm bánh tẻ theo mùa vụ, gây khó khăn cho công tác thống kê, quản lý, cũng như hướng dẫn thực hiện quy định về an toàn thực phẩm.

Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 200 làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Ngô Đình Loát, qua kiểm tra, cơ bản các chủ hộ đã chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, nhưng tại một số làng nghề vẫn còn tình trạng phơi sản phẩm ngoài đường; thiếu hồ sơ để truy xuất nguồn gốc nguyên liệu; người lao động chưa có đồ bảo hộ… Mặt khác, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý…

Nâng cao nhận thức

Nhận thức việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là vấn đề “sống còn”, bà Trần Thị Xuân - chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo tại xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên) cho biết, không vào cao điểm, nhưng mỗi ngày gia đình vẫn sản xuất khoảng 5-10 tạ bánh kẹo (dịp Tết Nguyên đán có thể lên tới hơn 30 tạ). Trước sự cạnh tranh của sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu cũng như của các làng nghề khác, các hộ sản xuất trên địa bàn tích cực đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm để giữ chữ “tín” với khách hàng trong bối cảnh thị trường có rất nhiều lựa chọn.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho hay, huyện đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” (từ ngày 15-4 đến 15-5) đến các cơ quan, đơn vị cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; tổ chức 15 lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm với 1.005 người tham gia. Ngoài ra, huyện tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quy định của pháp luật cũng như trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các làng nghề, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, qua đó giúp các hộ sản xuất, kinh doanh tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm như: Nhập nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn; các công đoạn sản xuất có khu vực riêng, thông thoáng; trang bị bảo hộ cho người lao động… Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở, tái kiểm tra cơ sở vi phạm.

Về lâu dài, các địa phương cần chú trọng quy hoạch cụm công nghiệp, tạo cơ chế, từng bước đưa các hộ sản xuất nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư; qua đó vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến về an toàn thực phẩm ở làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.