Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ

Hương Ly| 26/08/2017 06:56

(HNM) - Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 89-QĐ/TƯ và Quy định số 90-QĐ/TƯ, dư luận kỳ vọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Trung ương đang thực hiện sẽ tạo ra bước chuyển rõ nét trong công tác cán bộ.

Cử tri quận Hoàn Kiếm kỳ vọng vào kết quả công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Trung ương đang thực hiện. Ảnh: Thái Hiền


Thực hiện đi kèm với giám sát

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định 89, Quy định 90, việc triển khai những quy định này nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ đã được đông đảo dư luận quan tâm. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng, trong công tác tổ chức cán bộ, mấu chốt quyết định sự thành công là khâu đánh giá. Trung ương không thể trực tiếp lựa chọn từng cán bộ, người đứng đầu nên đòi hỏi người đứng đầu mỗi tỉnh, thành phố, các bộ, ngành phải thật công tâm, vô tư khi đánh giá cán bộ của cơ quan mình, bộ mình, địa phương mình. Nếu đánh giá cán bộ không đúng thì bố trí sẽ không đúng. Bố trí cán bộ không đúng sẽ dẫn tới sai lầm.

Trên thực tế, Đảng ta đã gặp vấn đề bố trí cán bộ không đúng. Có thể kể đến một số trường hợp vi phạm phải xử lý gần đây như ông Trịnh Xuân Thanh hay bà Hồ Thị Kim Thoa... Việc để lọt người xấu vào đội ngũ cán bộ là do khâu đánh giá chưa chuẩn. Bộ Chính trị đã đưa ra tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ cấp cao, nhưng quan trọng nhất là việc thực hiện sẽ tiến hành như thế nào.

PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Đảng ta là Đảng cầm quyền, phần lớn những cương vị cán bộ chủ chốt ở các cấp chính quyền, doanh nghiệp nhà nước lớn là do các đảng viên nắm giữ. Trong khi đó, việc chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường rất dễ phát sinh tư tưởng vụ lợi cá nhân, kèm theo nó là nhiều tệ nạn; trong đó tệ nạn hàng đầu là tham nhũng.

Bên cạnh việc đánh giá, lựa chọn đúng cán bộ theo Quy định 89, Quy định 90, hơn lúc nào hết, mỗi đảng viên được giao trọng trách phải ý thức được trách nhiệm của mình, chống lại mọi cám dỗ, vì bảo vệ sự trong sạch của mình cũng như của Đảng. Ở vị trí càng cao thì trách nhiệm càng lớn, cám dỗ càng nhiều, vì vậy người đó phải có đầy đủ bản lĩnh của người cộng sản để chiến thắng bản thân và vượt qua chính mình.

Lấy lại niềm tin trong nhân dân

Nhận xét về tác động của Quy định 89, Quy định 90, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng đều cho rằng, hai quy định này của Bộ Chính trị sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong lựa chọn những cán bộ thực sự có tài, có đức, sẵn sàng vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước mới chỉ mang tính định hướng, yêu cầu. Tuy nhiên, hai quy định này đã khẳng định quyết tâm của Bộ Chính trị trong xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, đặc biệt là cán bộ cao cấp, lấy lại niềm tin của nhân dân. Quyết tâm ấy cho thấy, bên cạnh chủ trương còn có cả quy định, hành động cụ thể, nói đi đôi với làm.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cũng cho rằng, việc ban hành hai quy định nói trên còn đặc biệt có ý nghĩa khi Đảng ta đang quyết liệt tập trung chống tham nhũng, suy thoái tư tưởng đạo đức. Việc nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật thời gian gần đây cũng khẳng định quyết tâm của Bộ Chính trị trong xử lý nghiêm những sai phạm. Quy định này cũng như một lời nhắn nhủ với các cán bộ cấp dưới cần nhìn gương cán bộ cấp trên để làm theo. Chỉ có xử lý mạnh tay, kiên quyết thì Đảng mới lấy lại được lòng tin của người dân, làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Cán bộ là "đầy tớ" của dân thì không thể “vinh thân phì gia” chỉ chăm lo cho riêng mình.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Nghiêm trọng hơn cả là những vi phạm này thường liên quan đến tiền và vật chất. Trước những cám dỗ, nhiều cán bộ đã đánh mất phẩm chất, mất tư cách. Chính vì thế cùng với công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát phải được làm thật tốt nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật.

Hiện đã có nhiều đoàn kiểm tra của Trung ương, Bộ Chính trị làm việc với các ngành, địa phương. Mong rằng, các cuộc kiểm tra đó phải thật sự hiệu quả, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm cần nhắc nhở ngay. Nếu kiểm tra không tốt, để đến mức cán bộ bị xử lý cách chức và áp dụng hình thức kỷ luật sẽ là nỗi đau xót và tổn thất rất lớn.

Vì thế khi kiểm tra phải gọn nhẹ, sau cuộc kiểm tra phải giúp cho đơn vị có những bước phát triển mới. Mục đích cuối cùng là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Như thế Quy định 89, Quy định 90 mới đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và làm trong sạch bộ máy cán bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.