(HNMO) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa có Báo cáo số 141-BC/TU, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn thành phố Hà Nội (viết tắt là Nghị quyết số 21-NQ/TƯ).
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ, Hà Nội cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 2012-2020. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2013-2020 đạt 178.752,2 tỷ đồng, bảo đảm thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020, con số này đạt 47.234,1 tỷ đồng, tăng 31.901 tỷ đồng và 208% so với năm 2012. Đến ngày 31-12-2020, trên địa bàn thành phố có 89.523 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội là 1.846.011 người, đạt 38,4% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 1.732.778 người, tăng 706.749 người, tăng 68% so với năm 2012, đạt 36% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (vượt 1% so với chỉ tiêu giao phấn đấu tại Nghị quyết số 21-NQ/TƯ). Dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 4.603.058 người năm 2012 lên 5.852.369 người vào năm 2016 và tăng lên 7.239.094 người vào năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,1% (tăng 2.636.036 người, tăng 57,2% so với năm 2012).
Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng từng bước được cải thiện. Công tác giám định bảo hiểm y tế, công tác thu, chi luôn được quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm… Qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn Thủ đô.
Ban Thường vụ Thành ủy đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và các chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chính sách, chế độ, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, ý thức trách nhiệm, tự giác tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.