Bước vào năm 2025, thị trường bất động sản tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các vấn đề liên quan đến pháp lý, thủ tục hành chính... Theo các chuyên gia, giải quyết “nút thắt” này chính là giải pháp giúp tháo gỡ căn bản những điểm nghẽn, tạo đà phát triển cho thị trường trong chu kỳ mới.
Kỳ vọng ổn định trước mắt
Nhờ sự hồi phục vào nửa cuối năm 2024, thị trường bất động sản có cơ sở để kỳ vọng sẽ tiếp tục ấm lên, thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng trong năm 2025. Dự báo ngắn hạn cho nửa đầu năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường sẽ dần ổn định, ít xảy ra các biến động bất thường. Nguyên nhân bởi khung pháp lý liên quan đến bất động sản - cụ thể là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở bắt đầu phát huy hiệu quả khi các nghị định, thông tư và hướng dẫn chi tiết đã và sẽ được ban hành, giúp việc áp dụng luật trong thực tiễn thuận lợi, nhất quán. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở đang gia tăng đáng kể, bao gồm cả nhà ở xã hội lẫn nhà ở thương mại.
Cùng bày tỏ sự lạc quan trước chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản cả nước, bao gồm có thị trường Hà Nội trong năm 2025, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu - Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng cho rằng, thời gian tới, thị trường sẽ được nâng cấp và trở nên chuyên nghiệp, đồng bộ hơn so với giai đoạn đã qua. Cụ thể, năm 2025, thị trường hướng tới sự phát triển bền vững nhờ những trợ lực mạnh mẽ từ việc hoàn thiện khung pháp lý và các yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, các luật liên quan đến bất động sản quan trọng đều đã được thông qua và có hiệu lực sớm hơn dự kiến. Gần đây nhất là các quy hoạch lớn, chương trình phát triển đô thị liên quan đến Thủ đô đã được phê duyệt, tạo điều kiện cho người dân, nhà đầu tư nhìn rõ hơn định hướng và định hình phát triển không gian đô thị của Hà Nội.
“Bảng giá đất mới được ban hành vào thời điểm cuối năm và có hiệu lực ngay lập tức đã hỗ trợ các đơn vị phát triển bất động sản hình dung rõ hơn; các cơ quan liên quan cũng từng bước có tính toán đối với việc phát triển dự án trong năm 2025. Việc bỏ khung giá đất và điều chỉnh bảng giá đất theo cơ chế thị trường không chỉ ảnh hưởng đến giá bất động sản mà còn tác động trực tiếp đến những đối tượng tham gia vào thị trường, từ người dân sở hữu đất cho đến các chủ đầu tư và doanh nghiệp phát triển dự án”, chuyên gia từ Savills phân tích.
Nhiều “nút thắt” chờ hóa giải
Tuy nhiên, sự phát triển ổn định, bền vững và lành mạnh của thị trường bất động sản còn phụ thuộc rất lớn vào mức độ can thiệp, sự hoàn thiện khung pháp lý và hiệu quả thực thi của các cơ quan chức năng. Việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, rõ ràng để giải quyết những tồn tại hiện nay là vô cùng cần thiết, nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, thị trường bất động sản năm 2025 sẽ phát triển theo hướng “bùng nổ” nếu hội tụ cùng lúc thể chế hóa đầy đủ các văn bản liên quan, đồng bộ hóa quy hoạch, tài chính hóa đầy đủ các công cụ phái sinh, số hóa thông tin thị trường và khu biệt hóa đến thửa của công tác quản lý đất đai, bất động sản.
Do đó, ông Trần Kim Chung kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần sớm hiện thực hóa và đưa vào thực thi một số cơ chế như thu hồi đất phụ cận các công trình hạ tầng đưa vào đấu giá, xây dựng theo quy hoạch tạo vốn phát triển hạ tầng. Ngoài ra, cần có cơ chế dùng ngân sách địa phương đầu tư cho công trình hạ tầng của Trung ương và công trình hạ tầng ngoài tỉnh nhưng trong liên kết vùng. Các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần đồng bộ hóa và đặt trên nền bản đồ giải thửa. Mặt khác là tập trung rà soát, thống nhất, đồng bộ hóa kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng và sản xuất trên địa bàn tỉnh, thành phố thông qua đồng bộ hóa quy hoạch và kế hoạch triển khai các quy hoạch, từ đó có chương trình hành động cấp tỉnh về phát triển đô thị, nông thôn và các công trình hạ tầng, dự án bất động sản.
Từ “điểm nghẽn” bị tạo ra bởi sự thiếu đồng bộ, thông suốt trong thể chế, chính sách, cụ thể là các vấn đề liên quan đến giá đất, đền bù, giải phóng mặt bằng và nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giải pháp tháo gỡ chính là đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ để đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực này.
“Việc áp dụng số hóa nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ, giúp việc khởi công công trình dự án diễn ra nhanh chóng, tăng nguồn cung đất đai, sẽ góp phần thúc đẩy việc triển khai dự án đầu tư, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, góp phần ổn định thị trường bất động sản và phát triển kinh tế - xã hội”, chuyên gia này khẳng định.
Hiện hầu hết địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội, đã hoàn tất việc lập danh mục chi tiết các dự án đang gặp vướng mắc hoặc đình trệ, từ đó xây dựng kế hoạch tháo gỡ một cách có hệ thống. Đặc biệt, các địa phương đã, đang tăng cường phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan để lập báo cáo cụ thể, nêu rõ những khó khăn về mặt thể chế cần được giải quyết và đề xuất kiến nghị nhằm tháo gỡ từng vướng mắc đối với từng dự án bất động sản.
Như vậy, nền tảng pháp lý hoàn thiện tiếp tục được áp dụng sâu, phát huy hiệu quả trong thực tiễn đang góp phần quan trọng hỗ trợ sự hồi phục của thị trường bất động sản. Đây được coi là một trong những nhân tố thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư, tạo đà cho thị trường tăng trưởng trở lại trong năm 2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.