Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng viện phí phải trong khả năng chi trả của người dân

Trúc Linh| 15/09/2011 06:56

(HNM) - Ngày 14-9, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị xin ý kiến vào dự thảo nghị định của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập với sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.


Ảnh minh họa


Bộ Y tế cho biết, giá 350 dịch vụ đã ban hành từ năm 1995, đến nay đã 16 năm chưa được điều chỉnh và một số dịch vụ ban hành năm 2006 nhưng mức thu đã quá lạc hậu, không thể không điều chỉnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc điều chỉnh viện phí lần này chắc chắn ngành y tế sẽ "vấp" phải những phản biện nhưng đây là chủ trương có lợi cho người bệnh, bệnh viện và Nhà nước. Đó là thúc đẩy xã hội hóa y tế, tạo điều kiện để các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến dưới có kinh phí để triển khai các dịch vụ, nhất là các dịch vụ mới, kỹ thuật cao. Khi BHYT thanh toán với mức cao hơn, sẽ giảm bớt sự đóng góp của người bệnh có thẻ BHYT. Nhiều dịch vụ do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai, nay được triển khai nhiều hơn và người bệnh BHYT sẽ được hưởng lợi, từ đó giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn.

Liên quan đến băn khoăn, viện phí tăng chất lượng y tế có tăng, ông Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc Bệnh viện E trung ương cam kết: "Viện phí tăng chắc chắn chất lượng dịch vụ y tế công sẽ tăng theo ngay. Bởi cái khó của các bệnh viện hiện nay là thiếu nguồn kinh phí để duy trì cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị". Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương phân tích, tăng viện phí sẽ giúp các bệnh viện tăng cường các dịch vụ kỹ thuật cao điều trị cho người bệnh, trần BHYT thanh toán cũng nâng lên và người bệnh sẽ được chi trả nhiều dịch vụ kỹ thuật cao hơn. Tuy nhiên ông Kính cho rằng, chất lượng dịch vụ chỉ có thể tăng từ từ chứ không thể tốt ngay trong ngày một ngày hai.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến việc chi trả tiền thuốc và vật tư thay thế trong gói chi phí mà người bệnh và cơ quan BHYT phải chi trả; không làm ảnh hưởng đến 54 triệu người có thẻ BHYT (hơn 60% số dân), vì chi phí khám chữa bệnh của đối tượng này về cơ bản được BHYT chi trả. Đối với người thuộc hộ cận nghèo và nông dân, theo lộ trình thực hiện Luật BHYT, từ ngày 1-1-2012 sẽ hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT (đang đề nghị nâng mức hỗ trợ lên 50-60%). Còn với đối tượng có thu nhập trung bình khá trở lên, tuy giá dịch vụ y tế được điều chỉnh nhưng giá dịch vụ so với các nước trong khu vực còn rất thấp, do vậy các đối tượng này vẫn có khả năng chi trả.

Về phía BHYT, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho rằng: "Việc điều chỉnh khung giá của các dịch vụ y tế là cần thiết thế nhưng cần phải có sự thay đổi tổng thể về cơ cấu tài chính y tế. Nếu tăng chi mà không tăng thu sẽ khiến việc cân đối thu chi của quỹ BHYT vốn đã khó sẽ càng khó hơn. Với mức giá viện phí mới sẽ đẩy mức chi của Quỹ BHYT mỗi năm thêm từ 12.000-15.000 tỷ đồng. Theo lộ trình thực hiện BHYT, mức đóng BHYT từ 4,5% lên 5% mức lương tối thiểu cũng đang được tính đến. Như vậy mức đóng của đối tượng công chức sẽ tăng thêm khoảng 11% so với mức đóng hiện tại, đối tượng cận nghèo sẽ tăng từ 430.000 đồng lên 450.000 đồng/năm".

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc điều chỉnh khung giá viện phí là cấp thiết, nhưng phải trong khả năng chi trả của người dân, đồng thời đi liền với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân; có chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách; không gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Riêng giá 350 dịch vụ y tế mà Bộ Y tế đề nghị điều chỉnh cần sớm trình Chính phủ điều chỉnh để áp dụng từ đầu năm 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng viện phí phải trong khả năng chi trả của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.