(HNM) - Chuyện Bộ Y tế đề xuất đổi mới cơ chế phục vụ người bệnh, tăng giá viện phí của 350 loại dịch vụ trong quý IV năm nay đang là chủ đề "nóng" của dư luận, nhất là đối tượng lao động tự do, người có mức sống thấp. Không ít ý kiến cho rằng cần thiết phải hưởng ứng đề xuất trên. Nhưng, chấp nhận việc này cũng đồng nghĩa với việc khó thực hiện mục tiêu bảo hiểm toàn dân vào năm 2014.
Trên thực tế, để "né" cảnh chầu chực chờ khám bệnh, nhiều bệnh nhân đã phải "cắn răng" tự xếp mình sang diện tự nguyện, chấp nhận dùng giá dịch vụ cao gấp nhiều lần quy định hiện hành (tối thiểu 30.000 - 70.000 đồng/lần khám tại Bệnh viện Bạch Mai hoặc Nhi TƯ) để gặp bác sỹ nhanh hơn, dù họ đi đúng tuyến và không muốn "tự nguyện" vì mức sống còn thấp. Do đó, nếu tăng viện phí để không còn cảnh xếp hàng chờ khám, xóa tình trạng nằm ghép đúng như cam kết của Bộ Y tế xem ra lại là điều đáng mừng đối với không ít người có thu nhập thấp, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo.
Nhưng với lộ trình điều chỉnh các loại giá dịch vụ như hiện nay, thì Quỹ Bảo hiểm xã hội chỉ còn khả năng cân đối đến cuối năm 2012. Cơ quan này đã tuyên bố, đến năm 2013, Bảo hiểm xã hội sẽ phải tính toán và trình Chính phủ cho phép điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế. Vậy là trong tương lai gần, người dân vừa phải móc hầu bao chi cả tiền dịch vụ khám chữa bệnh tăng hơn thời điểm hiện hành, vừa phải nộp thêm tiền đóng bảo hiểm. Trong khi đó, theo thống kê của ngành bảo hiểm xã hội, với mức phí đóng bảo hiểm hiện tại, còn hơn 30% người dân chưa tham gia, gần 85% đối tượng cận nghèo không mua bảo hiểm mặc dù nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng. Đặc biệt, có địa phương ngân sách hỗ trợ thêm đến 80% như Bắc Ninh hay các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế vẫn ở mức thấp. Như vậy, nguy cơ khó thực hiện bảo hiểm toàn dân đang hiển hiện dần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.