(HNM) - Việc điều chỉnh tăng giá hơn 1.900 dịch vụ y tế (áp dụng từ ngày 15-12) theo Thông tư số 39/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành đã triển khai được hơn một tuần, áp dụng với người có thẻ bảo hiểm y tế.
Tăng viện phí - áp lực không nhỏ đối với người không có bảo hiểm y tế. |
Người có thẻ bảo hiểm y tế không ảnh hưởng nhiều
Tại khu vực đăng ký khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, số lượng bệnh nhân khá đông. Bà Dương Thị Loan (72 tuổi ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, bà bị một đợt nhồi máu cơ tim cấp, phải đặt stent mạch vành. Tổng chi phí cho 6 ngày nằm viện và các loại thuốc là hơn 66 triệu đồng. Nhưng, nhờ có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bà chỉ phải trả hơn 16 triệu đồng.
"Ngoài ra, hằng tháng, tôi đều vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe và nhận từ 4 đến 6 loại thuốc, trong đó có loại thuốc chống đông máu phải dùng đến hết đời, cũng do BHYT chi trả", bà Dương Thị Loan kể.
Thế nhưng, với những người không có thẻ BHYT lại mắc bệnh đái tháo đường phải điều trị lâu dài như bà Đặng Thị Lợi (69 tuổi ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) thì mỗi lần giá dịch vụ y tế tăng là nỗi lo bệnh tật thêm chất chồng. Bà Đặng Thị Lợi cho biết, không có thẻ BHYT, mỗi lần đi viện phải chi phí hàng chục triệu đồng. “Đúng là khi bị bệnh, nhất là những bệnh nặng, bệnh mạn tính mới thấy tầm quan trọng của thẻ BHYT”, bà Đặng Thị Lợi nói.
Theo ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hiện giá viện phí mới chỉ được tính 4/7 yếu tố. 3 yếu tố, gồm: Khấu hao tài sản cơ sở hạ tầng; khấu hao trang thiết bị; chi phí đào tạo và nghiên cứu khoa học vẫn chưa được cấu thành vào giá viện phí. Thậm chí, suốt thời gian dài, lương cơ bản tính trong giá viện phí là 1.150.000 đồng, trong khi trên thực tế, từ ngày 1-7-2018, bệnh viện phải trả cho người lao động là 1.390.000 đồng.
Vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 39 điều chỉnh viện phí phù hợp với mức lương mới để các cơ sở khám chữa bệnh có đủ nguồn tài chính chi trả tiền lương cho cán bộ y tế. Tuy nhiên, hiện bệnh viện mới chỉ thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế với người có thẻ BHYT từ ngày 15-12. Còn với người bệnh không có thẻ BHYT vẫn áp dụng giá cũ.
Tương tự, theo bà Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, hiện bệnh viện cũng chưa áp dụng mức giá mới với người không có thẻ BHYT. Còn với khoảng 85% số người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện đã có thẻ BHYT, việc điều chỉnh tăng giá các dịch vụ y tế lần này không ảnh hưởng nhiều. Do vậy, người chưa có thẻ BHYT nên chủ động tham gia để giảm gánh nặng chi trả nếu chẳng may bị bệnh.
Đánh giá chất lượng, khắc phục hạn chế
Tăng viện phí đồng nghĩa bệnh viện cũng phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Ảnh: Hữu Tiệp |
Theo Thông tư 39, hơn 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh với mức tăng trung bình hơn 3%. Riêng giá khám bệnh và giá giường điều trị tăng hơn 11%. Cụ thể, giá khám bệnh tăng từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/lượt khám, còn giá giường bệnh tăng thêm từ 20.000 đồng đến 40.000đồng/ngày/giường. Với các phẫu thuật ngoại khoa như: Thần kinh - sọ não; lồng ngực - mạch máu, xương khớp, cột sống, hàm mặt... mức tăng từ 100.000 đồng đến 450.000 đồng so với giá cũ.
Ngoài ra, một số dịch vụ khá thông dụng như: Siêu âm đen trắng tăng từ 38.000 đồng lên 42.000 đồng; siêu âm đầu dò âm đạo, trực tràng từ 176.000 đồng lên 180.000 đồng; các dịch vụ X-quang tăng từ 2.000 đồng đến 13.000 đồng/dịch vụ. Với những dịch vụ có mức giá cao như chụp CT Scanner toàn thân 64 dãy - 128 dãy (có thuốc cản quang) có giá 3.446.800 đồng/lượt (tăng thêm 11.800 đồng); hay chụp PET/CT có giá 19.724.400 đồng (tăng thêm 110.000 đồng)…
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) khẳng định, việc điều chỉnh giá lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những người có BHYT vì bảo hiểm cũng sẽ chi trả cho phần giá tăng thêm này. Mức chi sẽ là 100%, 95% và 80% tùy theo đối tượng. Còn với người không có thẻ BHYT thì thời hạn áp dụng mức giá dịch vụ y tế mới là ngày 15-1-2019. Từ nay đến lúc đó là thời gian để cho UBND các tỉnh, thành phố trình HĐND quyết định áp dụng mức giá này và thời điểm thực hiện phù hợp.
Thời gian qua đã có nhiều đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Nếu tăng viện phí mà chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện thì chắc chắn người dân sẽ đồng tình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phàn nàn về việc đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế còn rất vất vả, chưa hết cảnh ngồi chờ, xếp hàng, bị nhân viên y tế cáu gắt, chất lượng các cơ sở y tế chưa đồng đều…
Về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, dù tăng giá hay không tăng thì bệnh viện vẫn luôn phải cải tiến chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, hiện Hà Nội đã có 18 bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính thì chất lượng dịch vụ là vấn đề sống còn nếu muốn tồn tại, thu hút được bệnh nhân.
Ngành Y tế Thủ đô thuê các đơn vị kiểm định độc lập trong việc đánh giá chất lượng bệnh viện. Kết quả đánh giá này sẽ được công bố trong thời gian tới. Đây là cơ sở cho các bệnh viện phát huy mặt tốt, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại.
Có tăng, có giảm Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo lộ trình, cuối năm 2019, viện phí sẽ tiếp tục được tính thêm chi phí quản lý. Tùy tình hình cân đối quỹ BHYT, viện phí có thể sẽ được tăng hằng năm theo lương cơ sở. Mặt khác, căn cứ vào nhu cầu sử dụng dịch vụ thực tế, viện phí cũng sẽ được điều chỉnh giảm phù hợp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.