Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng ưu đãi để thu hút đầu tư

Hương Ly| 24/11/2012 07:06

(HNM) - 1.246 tỷ đồng là số tiền mà ngân sách nhà nước (NSNN) đã hỗ trợ cho các trường ĐH công lập trong năm 2011. Tuy nhiên, các trường ĐH đã phải huy động thêm gần 2.800 tỷ đồng từ các nguồn thu sự nghiệp khác nhằm bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên.

Mặc dù Nghị định 43/2006/CP về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã giúp các trường ĐH chủ động hơn trong việc thu hút các nguồn vốn, song việc xây dựng một cơ chế tài chính với "độ mở" nhiều hơn sẽ giúp các nhà đầu tư "rót" vốn vào lĩnh vực giáo dục ĐH.

Tại hội thảo về đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục ĐH do Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức mới đây tại Hà Nội, vấn đề xây dựng một cơ chế tài chính hiệu quả cho các trường ĐH công lập đã được các đại biểu tham dự đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 43/2006/CP (ngày 25-4-2006) quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập ra đời đã tạo điều kiện cho các trường ĐH chủ động trong hoạt động chuyên môn. Năm 2011, NSNN đã hỗ trợ 43 trường ĐH công lập 1.246 tỷ đồng. Tuy nhiên, các trường ĐH cũng đã huy động thêm gần 2.800 tỷ đồng từ các nguồn thu sự nghiệp khác để bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên. Các trường đã sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm các nguồn kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên. Đại diện một số trường ĐH đã tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên cho rằng, cơ chế tự chủ vẫn là "cửa hẹp" với các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ĐH.

Được biết, hiện các trường tự chủ về tài chính không được tự xác định mức học phí, phải tuân thủ đúng mức trần học phí theo quy định. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm vẫn bị phân bổ một cách cơ học, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực và tình hình của đơn vị. Một số trường ĐH vẫn tồn tại giáo viên có trình độ chuyên môn yếu nhưng không thể cho nghỉ việc bởi liên quan tới cơ chế. Những tiến sĩ học nước ngoài về sẽ không chấp nhận giảng dạy với mức lương khởi điểm khoảng 3 triệu đồng/tháng…, vì thế rất khó thu hút được giảng viên có chuyên môn tốt về làm việc tại các trường ĐH công lập…

Trước những bất cập về cơ chế tài chính tại các trường ĐH công lập hiện nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, muốn tăng chất lượng giáo dục ĐH phải có thêm nguồn lực, tránh tình trạng do nguồn thu thấp nên nhiều trường phải tuyển quá nhiều sinh viên để có thêm nguồn thu và hậu quả là chất lượng đào tạo giảm sút. Để làm được điều này, cần huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục ĐH, từ đó xây dựng cơ chế về học phí, mức lương cho giảng viên phù hợp. Tuy nhiên, sẽ có những lĩnh vực, những đối tượng đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục ĐH được Nhà nước bao cấp hoặc khuyến khích người học. Đơn cử, Nhà nước sẽ hỗ trợ tuyệt đối với những đối tượng sinh viên thật sự khó khăn, hoặc ưu đãi về học phí những ngành đào tạo khoa học cơ bản, hạt nhân nguyên tử... Với những ngành "hút" sinh viên như ngân hàng, tài chính, công nghệ thông tin, sinh viên theo học sẽ đóng góp khoản học phí tương xứng. Ở nước ta đã có một số mô hình giáo dục ĐH đạt chuẩn quốc tế, mức học phí cao hơn mức trung bình, nhưng vẫn rẻ so với chi phí du học nước ngoài, trong đó có ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Tại đây, tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ chính trong giảng dạy và nghiên cứu. Để có cơ sở vật chất và điều kiện học tập chất lượng cao, ĐH Quốc tế áp dụng mức học phí 1.500 USD/năm và dự định tăng thêm để nâng chất lượng đào tạo. So với ĐH công lập trong nước, mức học phí này khá cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí du học. Đầu ra của sinh viên ĐH Quốc tế được mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) kiểm định và công nhận chất lượng. Mô hình này cho thấy, việc xây dựng một cơ chế tài chính "mở" nhằm thu hút vốn đầu tư của DN vào lĩnh vực giáo dục ĐH sẽ cơ bản tháo gỡ những vướng mắc hiện nay. Trên thực tế, Nghị định số 69/2009/CP có hiệu lực 3 năm đã quy định chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất cho giáo dục đào tạo, song DN đầu tư vào giáo dục ĐH vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các thủ tục hành chính. Thời gian tới Nhà nước sẽ nghiên cứu, xây dựng những chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa về đất đai, thuế và nhất là thủ tục hành chính… để tăng tính hấp dẫn trong đầu tư cho giáo dục ĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng ưu đãi để thu hút đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.