Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tự chủ sẽ giảm bất cập?

Vũ Khánh| 25/08/2015 07:06

(HNM) - Quyền tự chủ đại học, nhất là tự chủ trong tuyển sinh của các trường lại được nhiều người nhắc đến khi phân tích những điểm yếu của đợt xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua, theo hướng nếu như Bộ GD-ĐT để cho các trường được tự chủ, thay vì


Bộ can thiệp quá sâu


Nhìn lại đợt xét tuyển, không ít lãnh đạo các trường đều đưa ra nguyên nhân dẫn đến sự rối ren, đó là do Bộ đã quá ôm đồm công tác tuyển sinh, khiến quyền tự chủ của mỗi trường bị hạn chế. Đại điện các trường cho hay, khi xử lý hồ sơ tuyển sinh, họ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn dữ liệu của Bộ GD-ĐT. Nếu như các năm trước, các trường đều nắm được các thông tin như điểm thi, phiếu đăng ký nguyện vọng…, thì năm nay, với cách xét tuyển mới, các trường nhận hồ sơ đăng ký dựa vào nguồn cung cấp thông tin là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ. Lãnh đạo một trường đã nhận xét: Cơ quan quản lý nhà nước mà lại quyết định tất cả công tác tuyển sinh của các trường, cứ như cả nước chỉ có một trường ĐH!

Nếu Bộ GD-ĐT để cho các trường được tự chủ trong việc xét tuyển thì những bất cập sẽ giảm tối đa.
Ảnh: Ngọc Châu



Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đưa ra ý kiến: Bộ chỉ nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia chung đề thi và chung đợt thi, còn công tác xét tuyển ĐH, CĐ thì nên giao cho các trường ĐH, để các trường tự chủ dựa trên kết quả của kỳ thi. Trong đó, ở từng khâu, trách nhiệm của Bộ, của các sở GD-ĐT địa phương cần được phân định rõ. Còn việc tuyển sinh ĐH, CĐ thì nên giao quyền tự chủ cho các trường. Nếu cần tiến hành thi, trường sẽ kiểm tra dựa trên đặc thù ngành nghề đào tạo của mình. Nếu làm được như thế sẽ phát huy tốt được lợi thế của kỳ thi THPT quốc gia và tránh được những rắc rối trong xét tuyển ĐH, CĐ như hiện nay. Một số chuyên gia tuyển sinh cũng chỉ ra, lẽ ra vai trò của Bộ chỉ là đưa ra các quy định mang tính then chốt như điểm sàn, các quy định bảo đảm chất lượng tuyển sinh thay vì can thiệp quá sâu vào việc tuyển sinh của trường.

Hài hòa tự chủ và lợi ích của thí sinh

Trước những chỉ trích cho rằng Bộ GD-ĐT đã vi phạm quyền tự chủ của các trường trong việc xét tuyển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Chính vì các trường được tự chủ trong đợt xét tuyển vừa rồi nên có một số khó khăn đã xảy đến với thí sinh. Đầu mùa tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã đề cập tới một phần mềm xét tuyển chung từng được chạy thử rất tốt. Với phần mềm này, thí sinh chỉ phải đăng ký qua mạng, đồng thời có thể thực hiện được việc đăng ký một ngành ở nhiều trường. Khi hết thời hạn đăng ký, Bộ sẽ sử dụng phần mềm này để lọc hồ sơ và cho ra kết quả, chuyển về các trường. Các trường chỉ cần gọi thí sinh trúng tuyển dựa trên kết quả đó. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thành công. Khi đưa ra thảo luận, các trường cho rằng làm theo cách đó là vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Các trường vẫn muốn nhận trực tiếp hồ sơ thí sinh để xét tuyển giống cách làm của những năm trước đây. Nhận thấy có nhiều trường đề nghị như vậy nên cuối cùng Bộ đã thuận theo. Từ đó nảy sinh những khó khăn khiến thí sinh phải đi lại vất vả. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Tự chủ một mặt là chúng ta giao tự chủ cho trường, mặt khác chúng ta cũng phải tính toán đến lợi ích của thí sinh. Cho nên từ kinh nghiệm của đợt xét tuyển vừa rồi, Bộ cũng sẽ tính toán, làm thế nào để hài hòa việc trường vẫn tự chủ, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm công tác xét tuyển không làm cho thí sinh, phụ huynh vất vả.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT và một số trường không có cùng quan điểm về mức độ can thiệp như thế nào là hợp lý. Thời gian gần đây, nhất là đầu mùa tuyển sinh 2015, Bộ GD-ĐT đã kêu gọi các trường phát huy quyền tự chủ, lập phương án tuyển sinh riêng. Nhưng trong hơn 400 trường ĐH, CĐ, chỉ có duy nhất ĐH Quốc gia Hà Nội đã thực sự tổ chức thi riêng, khoảng hơn 100 trường khác quyết định tự chủ tuyển sinh bằng việc xét kết quả học tập. Các trường còn lại chọn cách tham gia tuyển sinh chung bằng kỳ thi THPT quốc gia. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điều đó có nghĩa là chấp nhận tuân thủ các quy định trong quy chế của Bộ và không thể độc lập vì còn liên quan tới nhiều trường khác trong hệ thống. Khi đã vào hệ thống, trường phải cam kết và thực hiện những quy định mà hệ thống đề ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng, về lý, Bộ có thể quyết được nhưng khi một giải pháp không được nhiều trường ủng hộ, ảnh hưởng tới tâm lý chung thì buộc Bộ phải cân nhắc để điều chỉnh cho hài hòa giữa tự chủ của các trường và quyền lợi của thí sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tự chủ sẽ giảm bất cập?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.