(HNM) - Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,4%, tín dụng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2016. Những chỉ số này cho thấy,
Đà tăng trưởng tín dụng mở rộng thêm cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.Ảnh: Viết Thành |
Làn sóng đầu tư, khởi nghiệp sôi động
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 61.276 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 596,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và 39,4% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đăng ký bình quân một đơn vị thành lập mới đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24%. Nếu tính cả 859,2 nghìn tỷ đồng của hơn 18.000 lượt doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2017 lên tới 1,455 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 15.379 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận xét, các con số trên thể hiện làn sóng đầu tư, khởi nghiệp kinh doanh đang diễn ra sôi động và có sự thay đổi rõ rệt so với cùng kỳ của nhiều năm trước. Hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, địa phương đều có doanh nghiệp thành lập mới, đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế tăng dần qua từng tháng.
Đặc biệt, xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang thể hiện sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai của thị trường. Trong đó, có 43% doanh nghiệp ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý II-2017 tốt hơn quý I; 37,8% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định. Riêng quý III-2017, tình hình còn tiếp tục sáng sủa hơn, với 52,1% doanh nghiệp tin rằng xu hướng kinh doanh sẽ tốt hơn; 35,9% doanh nghiệp dự báo sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định hơn so với quý II.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ nhất quán thực hiện cam kết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng và kịp thời cho doanh nghiệp ra đời, hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Thực tế, những nội dung, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước của các bộ, ngành, địa phương đang phát huy hiệu quả.
Minh bạch hóa, nhất quán về chính sách
Nếu như thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước được coi là điểm sáng của nền kinh tế, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng mang lại cái nhìn lạc quan cho giới đầu tư. Theo Ngân hàng Nhà nước, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 7,54%. Mặc dù con số này vẫn thấp hơn mức tăng 8,16% của 6 tháng đầu năm 2016 và 7,86% của cùng kỳ năm 2015, nhưng lại là nỗ lực không nhỏ của hệ thống ngân hàng, và là "bức tranh" phản ánh sự hồi phục "sức khỏe" của các doanh nghiệp qua nhu cầu vay vốn. Đã từng có những thời điểm tăng trưởng tín dụng rơi xuống mức âm, vì doanh nghiệp không có khả năng vay vốn ngân hàng. Nhưng cũng có thời kỳ tăng trưởng tín dụng quá “nóng” gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế, dẫn đến hậu quả là những khoản
nợ xấu khổng lồ. Với kết quả 7,54%, tốc độ tăng trưởng tín dụng được đánh giá là ở mức hợp lý, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững. Mặc dù mức 7,54% chưa đạt 50% kế hoạch của ngành Ngân hàng, nhưng không quá lo ngại vì tăng trưởng tín dụng thường tăng tốc trong những tháng cuối năm, khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân cao hơn.
Điểm đáng chú ý nữa là tăng trưởng tín dụng đạt mức khả quan nhờ mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức ổn định. Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm (kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng); 5,4-6,5%/năm (từ 6 tháng đến dưới 12 tháng); 6,4-7,2%/năm (trên 12 tháng). Nhờ vậy, lãi suất cho vay duy trì ở mức 6-9%/năm (đối với các khoản vay ngắn hạn); 9-11%/năm (trung và dài hạn). Với các doanh nghiệp có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể "rơi" xuống 4-5%/năm.
Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đưa nguồn vốn vào nền kinh tế, ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ điều hành đồng bộ các giải pháp điều chỉnh giảm lãi suất, linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 18%, có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về lãi suất.
Thu hút đầu tư đạt mức cao, tăng trưởng tín dụng cũng ở mức khả quan cho thấy sự hấp dẫn của các chính sách đầu tư, cũng như khơi thông nguồn vốn vào nền kinh tế. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong những tháng cuối năm nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm 2017, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần duy trì một cách hiệu quả quá trình minh bạch hóa, sự nhất quán trong chính sách, hoạt động chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giới đầu tư.
Khi thu hút đầu tư tăng, nền kinh tế có "sức khỏe" tốt, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi sẽ là điều kiện để "gõ cửa" vay vốn ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.