(HNM) - Diễn biến CPI 6 tháng qua cho thấy, xu thế tăng trưởng cao, lạm phát thấp của những năm trước đã dần chuyển sang tăng trưởng thấp, lạm phát cao, đòi hỏi cẩn trọng trong công tác điều hành, đặc biệt là chính sách tiền tệ tiếp tục phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.
Diễn biến CPI 6 tháng qua cho thấy, xu thế tăng trưởng cao, lạm phát thấp của những năm trước đã dần chuyển sang tăng trưởng thấp, lạm phát cao, đòi hỏi cẩn trọng trong công tác điều hành, đặc biệt là chính sách tiền tệ tiếp tục phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.
đẩy mạnh xuất khẩu góp phần thúc đẩy tăng trưởng. |
Nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI
Phân tích về diễn biến CPI 6 tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, chỉ số CPI tăng liên tục là hiện tượng hiếm thấy trong 20 năm qua, trừ những năm lạm phát phi mã. Nguyên nhân chính khiến CPI “tăng tốc” là việc tăng giá mặt hàng thuốc và dịch vụ y tế. Trong 6 tháng, chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế đã tăng 26,39%. Chiếm tỷ trọng 5% trong rổ hàng hóa CPI, mức tăng này đã đóng góp khoảng 1,32% vào mức tăng chung 2,35% của chỉ số CPI. “Lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường. Bởi, từ nay đến cuối năm 2016, có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt là khi giá dịch vụ y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh. Thêm vào đó, thiên tai, mất mùa, sự kiện tăng lương cơ bản, độ trễ của việc tăng cung tiền, áp lực tăng tỷ giá… cũng sẽ đẩy CPI tăng cao” - ông Ngô Trí Long nhận định.
Theo đánh giá của TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương, GDP khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,8% cả năm, trong khi chỉ số CPI cũng khó giữ được dưới 5% so với tháng 12-2015. TS Lê Quốc Phương nhận định: CPI 6 tháng cuối năm có khả năng sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm, dự kiến khoảng 2,7-3%, do giá hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, giá dầu thô quốc tế có thể đạt mốc 60USD/thùng. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế, giáo dục tiếp tục tăng theo lộ trình. Đặc biệt, khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 có thể ở mức trên 20%. Dòng vốn này sẽ “đổ vào” các khu vực có tính đầu cơ, như chứng khoán, bất động sản, góp phần đẩy giá lên. Dự báo, CPI cả năm 2016 sẽ tăng khoảng 5-5,5% so với tháng 12-2015.
Không điều chỉnh giá cùng một thời điểm
Về áp lực gia tăng lạm phát những tháng cuối năm, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, những vấn đề chính trị và nhu cầu thực tế tại nhiều quốc gia sẽ tiếp tục tác động tới giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên - vật liệu trong nước. Chưa kể, mùa mưa bão có thể gây ra hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Nguồn cung hàng hóa được chuẩn bị tốt, việc điều chỉnh giá một số loại dịch vụ nhà nước quản lý đã được các bộ, ngành liên quan tính toán hợp lý; một số mặt hàng, như lúa gạo vào vụ thu hoạch, phân bón, vật liệu xây dựng vào thời điểm nhu cầu sử dụng không cao… nên giá hàng hóa dự kiến sẽ không tăng đột biến.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dù mức lạm phát 6 tháng đầu năm còn cách khá xa mục tiêu kiểm soát, song vẫn là một biến số khó lường, đòi hỏi cẩn trọng trong công tác điều hành, đặc biệt là chính sách tiền tệ tiếp tục phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Phải cẩn trọng với nguy cơ "hứng khởi" quá đà của thị trường bất động sản, của thị trường tài chính và cẩn trọng với rủi ro về thanh khoản ngân hàng. Để kiểm soát giá, ông Ngô Trí Long đề xuất, Bộ Tài chính thực hiện nghiêm kỷ luật chi tiêu, tăng cường thu nợ đọng thuế và triển khai thu kịp thời phần bán vốn của Nhà nước tại một số doanh nghiệp. Bộ Công thương phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, mà kim ngạch có xu thế thấp hơn năm trước như dệt may, điện tử... Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định vĩ mô; phối hợp với Bộ Tài chính trong phát hành trái phiếu chính phủ nhằm duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh…
Để đạt được mục tiêu giữ CPI cả năm 2016 ở mức 5%, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong trường hợp điều chỉnh giá, các cơ quan cần xây dựng lộ trình trên cơ sở đánh giá kỹ tác động, tránh điều chỉnh giá vào cùng một thời điểm, để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới mặt bằng giá.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 6, Chính phủ nhìn nhận, sức ép lạm phát còn lớn, có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong năm 2016 không tăng giá điện, không tăng phí BOT. Các khoản bảo hiểm y tế, giáo dục khi tăng phải có lộ trình, không tăng đồng loạt, giữ nguyên biện pháp quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi... Chính phủ cũng khẳng định, mức trần lạm phát cho phép cả năm nay là 5%. Toàn bộ kế hoạch điều chỉnh tăng giá liên quan đến các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước điều hành sẽ phải được cân nhắc và bảo đảm mục tiêu CPI đề ra. Theo Nghị quyết số 98/ 2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 10-11-2015, trong năm 2016 phấn đấu GDP của nước ta tăng khoảng 6,7% và tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.