(HNM) - Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua đến nền kinh tế nước ta đã cho thấy một bài học: Tăng trưởng kinh tế bền vững là giải pháp "tự vệ" hiệu quả nhất, đồng thời hạn chế được những bất ổn đối với nền kinh tế nước nhà.
Thời gian qua, hai khu vực kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và châu Âu đều có biến động xấu. Sự đổ vỡ của thị trường bất động sản và trước đó là các cơ chế hoạt động của hệ thống tài chính tiền tệ Mỹ làm cho hàng loạt ngân hàng, công ty bảo hiểm của quốc gia này phá sản hoặc đứng bên bờ vực thẳm. Chính phủ Mỹ đã đưa ra các giải pháp giải cứu hữu hiệu. Các quốc gia có nền kinh tế mạnh của châu Âu cũng đang bất ổn và sự bất ổn cũng bắt đầu từ hệ thống tài chính, tiền tệ (gần đây nhất là nền kinh tế Hy Lạp có nguy cơ sụp đổ do nợ công quá lớn và trước mắt, Hy Lạp đã tạm đẩy lùi được nguy cơ này nhờ gói cứu trợ 20 tỷ euro phối hợp giữa Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế được giải ngân kịp thời). Mặc dù vậy, một số nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, nền kinh tế nước ta chỉ chịu tác động ở hai lĩnh vực là xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư.
Tăng trưởng kinh tế bền vững là giải pháp "tự vệ" hiệu quả nhất |
Tuy những "cơn bão" lớn của kinh tế thế giới ít ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam, song những biến động nhỏ hơn nhưng thường xuyên của thị trường thế giới lại tác động đến nền kinh tế trong nước. Chẳng hạn, từ cuối năm 2008 đến những tháng đầu năm nay, giá vật tư, nguyên, nhiên liệu trên thế giới liên tục "leo thang", có những thời điểm tăng đột biến... khiến nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng theo hai hướng: Phải nhập khẩu hàng lúc giá cao và không tận dụng được thời điểm để bán hàng với giá có lợi. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do nền kinh tế nước ta chưa có tiềm năng dự phòng, nên trên phạm vi cả nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực đều dễ bị tổn thương. Chẳng hạn, ngành nông nghiệp không được bảo hiểm, thường gặp rủi ro về thiên tai và dịch bệnh; công nghiệp tiêu dùng phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia có nguồn lao động rẻ, có năng lực sản xuất cao... Ngoài các tác động của kinh tế thế giới, những vấn đề tầm nhìn kinh tế, tính thiếu tập trung trong quản lý, trong hoạch định chính sách, việc bình quân chỉ tiêu giữa các địa phương đã làm cho nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả hoặc suy giảm nguồn lực. Chẳng hạn, nhiều địa phương cạnh tranh thu hút đầu tư bằng cách ban hành chính sách ưu đãi làm giảm nguồn lực quốc gia; không ít địa phương phát triển thị trường bất động sản và phát triển cụm công nghiệp chưa đúng hướng; thiếu quản lý đầu tư và quản lý sản xuất dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nặng; quản lý đầu tư kém dẫn đến vốn đã thiếu lại ứ đọng ở những công trình, dự án "treo" các tập đoàn kinh tế đầu tư phân tán làm giảm hiệu quả nguồn lực... từ đó đã làm giảm đáng kể sức "đề kháng" của nền kinh tế.
Chính phủ đã ban hành nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, nhằm mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%, ngăn chặn lạm phát cao trở lại (lạm phát được kiềm chế ở mức 8%); bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế...
Để thực hiện được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ, 8 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, các ngành chức năng cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, chất lượng các sản phẩm; tạo điều kiện để khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; thực hiện có hiệu quả các biện pháp tạo việc làm, giảm nghèo; tăng đầu tư ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao chất lượng thông tin, tư tưởng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.