(HNM) - Chiều qua 10-12, sau gần 4 ngày làm việc tập trung, trách nhiệm, hiệu quả, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã tổng kết và tuyên bố bế mạc Kỳ họp thứ 22. Trước đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo có bài phát biểu tại hội trường thẳng thắn chia sẻ quan điểm về một số vấn đề "nóng" được đại biểu và cử tri quan tâm.
Trong ngày làm việc cuối cùng, HĐND TP cũng quyết nghị một số nội dung quan trọng như khung giá đất năm 2011, quy hoạch phát triển hệ thống điện TP giai đoạn 2011-2015...
"Mục tiêu tăng trưởng có tính khả thi"
Bài phát biểu của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo tập trung giải đáp bổ sung những thắc mắc của các đại biểu nêu ra tại kỳ họp. Nói về những thành công trong năm 2010, tiêu biểu nhất là phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức Đại lễ và Đại hội Đảng bộ TP, Chủ tịch chia sẻ: "Năm 2010 là một năm rất thành công với nhiều nhiệm vụ nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức; nhiều việc tưởng chừng như không làm nổi, không hoàn thành, nhưng với sự cố gắng và chung sức, chung lòng, chúng ta đã làm được và làm tốt." Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã gửi lời cảm ơn cử tri và các tầng lớp nhân dân Thủ đô vì đã cùng TP làm nên những thành công đó.
Trước ý kiến cho rằng nên cân nhắc tính khả thi của chỉ tiêu tăng trưởng GDP 12% và phấn đấu cao hơn trong năm 2011, Chủ tịch UBND TP cho rằng, năm 2010 rất khó khăn mà TP vẫn đạt tăng trưởng GDP 11%. Trong khi dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới sẽ tích cực hơn năm 2010. Chưa kể, Thủ đô vừa tổ chức thành công Đại lễ, tạo lực mới, thế mới. Các điều kiện cụ thể cũng thuận lợi hơn như: Quy hoạch tổng thể được phê duyệt, các nguồn lực mới bắt đầu được khai thác. "Như vậy mục tiêu tăng trưởng đề ra có tính khả thi" - Chủ tịch UBND TP khẳng định. Chỉ ra những hạn chế, yếu kém như kinh tế phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh, chất lượng tăng trưởng thấp, chỉ số tăng giá cao (10,5%)..., Chủ tịch thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân chủ yếu là do những khuyết điểm chủ quan. Trong đó, kỷ luật kỷ cương hành chính còn lỏng lẻo, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh việc khó, việc xử lý vi phạm trên các lĩnh vực còn thiếu cương quyết. "UBND TP sẽ tập trung khắc phục những khuyết điểm này trong thời gian tới" - Chủ tịch nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu bế mạc. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Tiếp đó, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh: Sau bốn ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 22, HĐND TP Hà Nội khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Chủ tịch HĐND TP đề nghị ngay sau kỳ họp này, UBND TP khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết kỳ họp; triển khai thực hiện đồng bộ 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá của thành phố theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV. Tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung các nghị quyết của HĐND TP đến các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân Thủ đô để thực hiện. Đề nghị các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, tăng cường giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND...
Khung giá đất ít biến động
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, HĐND TP đã thảo luận và thông qua bảng giá đất năm 2011. Bảng giá đất mới chỉ có một số điều chỉnh mang tính cục bộ ở khu vực giáp ranh, một số trục đường mới, các tuyến phố mới đặt tên...
Khung giá tối thiểu và tối đa đối với đất ở các quận vẫn giữ nguyên như năm 2010: Thấp nhất là hơn 2,340 triệu đồng/m2 (đường 72 qua phường Dương Nội, quận Hà Đông), cao nhất là 81 triệu đồng/m2 (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm). Các thị trấn giáp ranh với quận nội thành như Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức được điều chỉnh tăng và có mức giá tối thiểu là gần 1,7 triệu đồng/m2, tối đa là 26,4 triệu đồng/m2. Một số khu vực thuộc huyện Từ Liêm, Gia Lâm,Thanh Trì sau khi điều chỉnh có giá tối thiểu hơn 2 triệu đồng/m2, tối đa là 31,2 triệu đồng/m2. Đối với thị xã Sơn Tây là đất đô thị, nhưng TP cho rằng do nằm cách xa trung tâm TP nên có điều chỉnh từng vị trí cho phù hợp với thực tế và giá tối thiểu chỉ hơn 1,5 triệu đồng/m2, tối đa là 15,6 triệu đồng/m2.
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm trong kỳ họp này là khung giá đất của Hà Nội năm 2011. Ảnh: Đàm Duy |
Giá đất kinh doanh được điều chỉnh tối đa là 40,5 triệu đồng/m2, giá tối đa là 525 triệu đồng/m2. Năm 2011, giá đất nông nghiệp vẫn được giữ nguyên theo giá ban hành năm 2010. Giá đất nông nghiệp trồng lúa nước, trồng cây hằng năm và trồng cây lâu năm có giá tối thiểu 54.400 đồng/m2, giá tối đa là 252.000 đồng/m2. Giá đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản có giá tối thiểu là 36.000 đồng/m2, giá tối đa là 201.600 đồng/m2. Giá đất rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất có giá tối thiểu là 30.000 đồng/m2, giá tối đa là 60.000 đồng/m2.
Gần 20.000 tỷ đồng phát triển điện lực trong 5 năm
Cùng ngày, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch phát triển điện lực TP giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020. Mục tiêu chung của quy hoạch là bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 12-13%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 9%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2011-2015 là 12,6%/năm, điện thương phẩm bình quân trên người là 2.220 kWh/người/năm. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2016-2020 là 11,4%/năm, điện thương phẩm bình quân trên người là 3.488 kWh/người/năm.
Với mục tiêu này, từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ chi tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực là 19.481,1 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) bao gồm các hạng mục đầu tư cho lưới điện 220kV, 110kV, lưới trung thế, hạ thế. Nguồn đầu tư này chủ yếu là vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và của các tổ chức kinh doanh điện khác. Tuy nhiên, đối với những hạng mục quan trọng, cấp bách, TP sẽ ứng tiền ra làm trước, sau đó bàn giao và thanh toán với EVN. Để thực hiện quy hoạch này, TP cũng phải dành quỹ đất bị chiếm dụng vĩnh viễn lên tới 152,76ha, trong đó dành cho công trình cao áp là 101,91ha, công trình trung, hạ áp là 50,85ha.
Trong quy hoạch này, Hà Nội cũng xác định tiếp tục thực hiện việc hạ ngầm lưới điện hiện có để đảm bảo mỹ quan đô thị theo Nghị định 92/2005/NĐ-CP ngày 12-7-2005 của Chính phủ.
Bỏ thu phí 4 cầu trên địa bàn huyện Chương Mỹ
Cũng trong ngày làm việc cuối cùng, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về phí, lệ phí áp dụng trên địa bàn TP. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2011, Hà Nội không thu các loại phí qua cầu Zét, cầu Hạ Lục, cầu Mụ và cầu Bến Cốc tại Chương Mỹ.
Mức lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sử hữu nhà ở (QSHNƠ) và tài sản khác gắn liền với đất cũng thay đổi theo hướng tăng lên. Đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận, thị xã hoặc thị trấn, mức thu cấp mới GCNQSDĐ (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) là từ 10.000 đến 25.000 đồng. Còn mức thu với tổ chức không quá 100.000 đồng. Trường hợp cấp GCNQSHNƠ và tài sản mới, gắn với đất sẽ có mức thu từ 50.000 đến 100.000 đồng, áp dụng với các hộ gia đình cá nhân. Mức thu đối với tổ chức tối đa không quá 500.000 đồng. Đối với trường hợp cấp đổi lại mức thu phổ biến ở mức 10.000 đồng, 20.000 đồng, 25.000 đồng và 50.000 đồng tùy từng đối tượng.
Hoạt động của HĐND TP tiếp tục được đổi mới, bám sát thực tiễn đời sống nhân dân Tại kỳ họp này, HĐND TP đã xem xét báo cáo hoạt động của thường trực và các ban HĐND, qua việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là hoạt động giám sát, TXCT, ban hành nghị quyết, cho thấy hoạt động của HĐND TP tiếp tục được đổi mới, các đại biểu thường xuyên nắm bắt sâu sát tình hình thực tiễn và đời sống nhân dân để có những phản ánh, đề xuất, kiến nghị sát thực. HĐND TP đã thực hiện chất vấn UBND TP và các sở, ngành liên quan về những vấn đề nổi cộm, bức xúc, được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Tiếp tục thực hiện phương thức chất vấn theo nhóm vấn đề, điểm mới trong hoạt động chất vấn lần này là chọn vấn đề trên cơ sở những bức xúc, nổi cộm kết hợp với việc giám sát thực hiện các nghị quyết chuyên đề của HĐND TP gồm: Nghị quyết (NQ) số 09/2000; NQ số 02/2007; NQ số 06/2009. Đây cũng là dịp kiểm chứng tính khả thi, hiệu quả của các NQ chuyên đề do HĐND TP ban hành. Thông qua đó để bổ sung những vấn đề cần thiết và điều chỉnh những bất cập trong quá trình thực hiện nghị quyết HĐND. Qua chất vấn khẳng định tính đúng đắn của các nghị quyết chuyên đề vẫn còn nguyên giá trị. Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng, tạo sự thống nhất trong nhận định, đánh giá thực hiện nghị quyết và các giải pháp trong thời gian tới. HĐND TP đề nghị UBND và các cơ quan thuộc UBND TP tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nghị quyết chuyên đề, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri; thực hiện nghiêm túc lời hứa trước HĐND, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và mong đợi của nhân dân Thủ đô. (Trích phát biểu bế mạc kỳ họp của Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.