(HNMO) - Sáng 24-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Dự án nguy cơ cao phải được đánh giá sơ bộ tác động môi trường
Một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là phân loại dự án đầu tư có tác động đến môi trường. Vì thế, tại báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hai phương án, trong đó đa số ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện theo phương án 2.
Phương án này quy định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm gồm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Theo phương án 2, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) nhất trí với phương án 2 khi cho rằng: “Việc thực hiện phương án này sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đồng thời tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường ở ngay giai đoạn này”.
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đại biểu Phạm Văn Tuân (Đoàn Thái Bình) nhất trí với ý kiến nhiều đại biểu khác chọn phương án 2. Cụ thể, giao UBND cấp tỉnh phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) trên địa bàn.
“Việc giao UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường, kinh tế - xã hội tại địa phương và thống nhất với thẩm quyền, trách nhiệm quản lý xuyên suốt tại địa phương từ thẩm định kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của dự án, cơ sở”, đại biểu Phạm Văn Tuân nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu nêu thực trạng, thời gian qua liên tục xảy ra các sự cố về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Vì thế, việc xem xét phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp phép về môi trường sẽ góp phần tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn.
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại
Một trong những nội dung khác nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp là vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhiều đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; rà soát các quy định về kinh phí chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh để bảo đảm tính khả thi...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Theo đó, tại Điều 76, chất thải rắn được phân chia thành 3 loại: Loại có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác.
“Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mức chi trả của hộ gia đình, cá nhân cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ dựa trên lượng, loại chất thải phát sinh. Còn lộ trình thực hiện chậm nhất trước ngày 31-12-2024 như tại khoản 9 Điều 80 dự thảo Luật”, ông Phan Xuân Dũng cho biết thêm.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) và nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này khi tại Điều 78 của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật; trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, tại Điều 80 dự thảo Luật quy định, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc sau: Phù hợp với nguyên tắc định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá; dựa trên lượng chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo quy định không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
“Tôi nghĩ giá này cần dựa vào công nghệ thu gom, cách tổ chức dịch vụ thu gom phương tiện, thời gian thu gom và nên là sự thỏa thuận giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ, để cho thị trường và cho người sử dụng dịch vụ quyết định giá. Vì thế, nên sửa lại Điều 80 sao cho đúng, hợp lý và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và thật hiệu quả trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm với 20 ý kiến phát biểu, 4 ý kiến tranh luận. Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung, đồng thời đề xuất một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.