Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng trách nhiệm cấp ủy trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Bình Yên| 22/11/2012 07:30

(HNM) - Công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của các địa phương trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã được coi trọng hơn. Nhiều địa phương nhờ xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy mà đã giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh từ cơ sở, thực hiện nghiêm các kết luận, quyết định sau thanh tra, kiểm tra… khiến người dân vơi đi bức xúc.

Lĩnh vực đất đai, GPMB chiếm 75% số vụ khiếu nại, tố cáo ở Hà Nội. Ảnh: Bảo Kha


Rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu

Trong số vụ KNTC của TP Hà Nội, liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB) chiếm 75%, cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước là 70%. Chỉ tính riêng địa bàn huyện Thanh Trì mỗi năm thu hồi hàng trăm dự án. Do số hộ bị thu hồi đất thuộc nhiều đối tượng, trong khi công tác quản lý đất đai những năm trước đây thiếu chặt chẽ; sự điều chỉnh, thay đổi của chính sách khiến việc áp giá đền bù, xác định nguồn gốc đất trở nên khó khăn… Thế nhưng vài năm gần đây, trên địa bàn huyện không có vụ việc KNTC bức xúc và đương nhiên không có điểm nóng, nổi cộm về KNTC.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương chia sẻ, điều cốt lõi nhất chính là nhận thức và biện pháp chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác giải quyết KNTC. Huyện ủy đã ban hành hai quy định về quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng và quy trình giải quyết KNTC đối với tổ chức đảng và đảng viên. UBND huyện ban hành 6 chỉ thị, kế hoạch, quyết định về tăng cường trách nhiệm trong công tác tiếp dân; công khai nội quy, lịch tiếp dân, quy trình, quy định tại nơi tiếp dân; định kỳ hằng quý giao ban với cán bộ chủ chốt và bí thư chi bộ cụm dân cư để kiểm điểm, đánh giá công tác giải quyết KNTC, kiến nghị của nhân dân. Qua đó, Huyện ủy nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết kịp thời vướng mắc, phát sinh tại cơ sở; quy trách nhiệm và yêu cầu đồng chí phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã, thị trấn tập trung giải quyết các vụ KNTC tồn đọng, nhờ đó ý thức người đứng đầu cấp ủy nâng lên. Tổng cộng 620 đơn thư (từ năm 2007 đến nay) đều được phân loại xử lý, trong đó 96% số vụ thuộc thầm quyền cấp huyện đã được giải quyết dứt điểm; còn lại đang trong quá trình giải quyết. Huyện ủy đã xử lý kỷ luật 16 cán bộ, đảng viên vi phạm.

Vì quyền lợi của dân

Tại quận Long Biên mỗi năm có hàng nghìn phương án GPMB nhưng luôn bảo đảm tiến độ, không xảy ra khiếu kiện đông người. Theo Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo, ngay từ khi triển khai dự án, tập thể Ban Thường vụ (BTV) Quận ủy yêu cầu cơ quan chức năng cho biết quy mô dự án, đối tượng phải GPMB; giúp các tổ chức chính trị nắm rõ đoàn viên, hội viên, dự báo tình hình khó khăn để tập trung tuyên truyền, không đợi đến khi phát sinh vấn đề mới vào cuộc. Mặt khác, Quận ủy yêu cầu chủ đầu tư công khai hiệu quả của dự án, công khai chính sách đối tượng áp dụng ngay từ đầu để bảo đảm sự công bằng giữa các hộ, tạo sự thống nhất trong áp dụng chính sách. Nếu phát sinh vấn đề phức tạp, Quận ủy làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, dựa trên nguyên tắc bảo đảm tối đa quyền lợi cho người dân. Đơn cử như dự án đường Ngô Gia Tự (liên quan đến 771 hộ, 25 cơ quan), quận đã trình 14 cơ chế đặc thù và được TP giải quyết, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của người dân, vơi đi rất nhiều bức xúc, đơn thư; chỉ sau hơn một năm đã GPMB xong, chi trả hơn 1.200 tỷ đồng.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư cho rằng, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc giải quyết đơn thư KNTC chứ không thể phó mặc cho lực lượng thanh tra. Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan liên quan vận dụng tối đa chính sách có lợi cho người dân, đồng thời xác định rất rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân, hạn chế các vụ việc KNTC phức tạp. Tại huyện Mỹ Đức, BTV Huyện ủy đã thực hiện 28 quyết định, kết luận sau thanh tra (từ năm 2008 đến nay), trong đó quy định rõ thời gian, trách nhiệm phối hợp thực hiện, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh. Nhờ vậy, đã có 22 quyết định, kết luận sau thanh tra tồn đọng từ nhiều năm được giải quyết dứt điểm. Huyện ủy Mỹ Đức đã xử lý kỷ luật về đảng 31 cán bộ; khởi tố hình sự 13 cán bộ; thu hồi cho nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng.

Kinh nghiệm của các địa phương cho thấy, chỉ khi nào tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết KNTC của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức đảng; xây dựng quy chế phối hợp, coi trọng đối thoại với dân mới đẩy nhanh tiến độ công việc, hạn chế số vụ đông người, phức tạp, vượt cấp. Mặt khác, cần gắn giải quyết KNTC với phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, GPMB, bảo đảm hài hòa lợi ích, tăng cường tuyên truyền pháp luật, "dân vận khéo", thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đi đôi với xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm… Có như vậy mới tạo được chuyển biến thực sự cho công tác này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng trách nhiệm cấp ủy trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.