(HNM) - Tại kỳ họp thứ bảy, sáng 24-5, qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo Luật Thi hành án hình sự, đồng thời tiếp tục góp nhiều ý kiến để luật sát thực, chặt chẽ, thể hiện được tinh thần cải cách tư pháp.
Lựa chọn hình thức thi hành án tử hình
Vấn đề lựa chọn hình thức nào để thi hành án tử hình được đông đảo cử tri quan tâm bởi đây là yếu tố vừa đòi hỏi tính nhân đạo, vừa phải thể hiện sự nghiêm minh và tính răn đe. Trước kỳ họp thứ bảy, ý kiến của các đại biểu Quốc hội chia thành 3 nhóm: đề nghị quy định hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc; đề nghị dùng hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn; quy định cả 2 hình thức thi hành án tử hình nói trên. Tại kỳ họp này, các đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Đại biểu Phạm Xuân Thương (đoàn Thái Bình) cho rằng, nên duy trì cả hình thức xử bắn khi thi hành án tử hình để giữ tính răn đe đối với một số loại tội phạm nguy hiểm. Theo đại biểu này, việc xử bắn vẫn có thể thực hiện hiệu quả, hạn chế những bất cập hiện nay (về pháp trường tổ chức thi hành án, về áp lực tâm lý đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án…) bằng cách xây pháp trường tập trung và sử dụng súng tự động. Ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Yên Bái), Lê Thị Nga (Thái Nguyên) thì cho rằng hình thức thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc là hợp lý, quy trình cụ thể có thể giao cho Chính phủ (hoặc Bộ CA) quy định cụ thể. Đại biểu Lê Thị Nga còn nhấn mạnh, việc phát huy tính răn đe của án tử hình không phụ thuộc nhiều vào hình thức thi hành án nên hình thức này vẫn bảo đảm. Cũng có ý kiến như của đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) đề nghị quy định cho phép bị án tử hình tự chọn hình thức thi hành án, xử bắn hay tiêm thuốc...
Tiếp theo việc thi hành án tử hình, các đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn về quy định cho phép thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được nhận hài cốt. Trước đó đã có quy định thân nhân được nhận xác bị án tử hình sau 3 năm nhưng nhiều đại biểu nêu lên thực trạng là về tập quán, có những vùng, miền (như các tỉnh phía Nam) không thực hiện việc cải táng, nên quy định này là không khả thi. Nhiều trường hợp sau khi xử bắn và mai táng, thân nhân người bị tử hình tìm mọi cách lấy trộm tử thi, có địa phương tỷ lệ lấy trộm tử thi sau khi thi hành án tử hình đến 90%... Vì vậy, bên cạnh nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thêm và chưa đưa nội dung này vào luật, đại biểu Phạm Xuân Thương (Thái Bình) đề xuất hình thức hỏa táng hài cốt bị án và cho thân nhân nhận lại sớm nhất sau khi thi hành án.
Thể hiện tính nhân đạo
Dự thảo Luật Thi hành án hình sự lần này dành nhiều phần quy định về những chế độ dành cho phạm nhân. Chẳng hạn, về chế độ ăn, mặc và tư trang của phạm nhân, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng quy định phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn về định lượng ăn, mặc. Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại thì được tăng thêm về định lượng ăn, áo quần bảo hộ lao động và căn cứ vào điều kiện công việc cụ thể được cấp thêm các dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết khác. Việc phạm nhân được gặp gỡ, nhận quà từ thân nhân cũng được quy định tại luật này.
Các đại biểu đã thảo luận rất sôi nổi, tiếp tục góp ý và làm rõ thêm những nội dung có tính chất như trên. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) đề nghị việc quy định phạm nhân được gặp thân nhân cần được thể hiện chi tiết hơn, làm rõ các trường hợp đặc biệt (được gặp thêm giờ). Đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) yêu cầu luật cần có nội dung quan tâm đến vấn đề phạm nhân trước khi chấp hành án có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng sau khi thi hành án xong không được thụ hưởng bảo hiểm xã hội. Đại biểu Đặng Huyền Thái (đoàn Hà Nội) đề nghị cần có chính sách hỗ trợ để trẻ em sau khi ra khỏi trường giáo dưỡng tiếp tục được thụ hưởng giáo dục. Cũng vì quyền lợi của phạm nhân, đại biểu Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hòa) đề nghị làm rõ thêm chế độ khám, chữa đối với phạm nhân bị tai nạn lao động...
Để chất lượng thi hành án hình sự đối với các hình thức án treo, cải tạo không giam giữ... được nâng cao, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về vai trò của UBND cấp xã, phường trong thi hành loại án này. Đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn trước thực trạng án treo quá nhiều mà việc thi hành án tại cơ sở được giao cho chính quyền, có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, không thật sự giám sát được việc chấp hành hình phạt của người có án. Vì vậy, luật cần quy định cụ thể những điều kiện tăng hoặc giảm án đối với hình thức án treo, cải tạo không giam giữ, tước một phần quyền công dân. Ngoài ra, để tăng cường việc giám sát thi hành án hình sự, đại biểu Đặng Huyền Thái đề nghị luật cần thể hiện được vai trò của MTTQ và nhân dân trong giám sát thi hành án.
Thảo luận về dự án Luật Trọng tài thương mại: Cần có tiêu chuẩn cho trọng tài viên (HNM) - Chiều 24-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trọng tài thương mại. Luật này được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, đã được Quốc hội khóa XII xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ sáu... Qua nhiều lần tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong và ngoài nước, dự thảo luật đã cơ bản hoàn thiện... Tuy vậy, bàn về hoạt động của trọng tài thương mại, đa số đại biểu Quốc hội tiếp tục băn khoăn về điều kiện công nhận trọng tài viên. Nhiều đại biểu chung nhận xét rằng, năng lực trình độ, uy tín của đội ngũ trọng tài, vốn có số lượng rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các vụ việc tranh chấp thương mại được giải quyết thông qua các trung tâm trọng tài thương mại còn rất ít. Đại biểu Lê Văn Tâm (đoàn Cần Thơ), Trần Việt Hưng (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, luật cần quy định cụ thể về trình độ chuyên môn của trọng tài viên, như "thế nào là trình độ chuyên môn cao", "có kinh nghiệm"?... Các đại biểu cũng yêu cầu luật cần thể hiện nội dung trọng tài viên dù có một số điều kiện trình độ nhất định vẫn phải qua lớp bồi dưỡng. Ủng hộ quan điểm này, các đại biểu khẳng định việc quy định cụ thể về tiêu chuẩn của trọng tài viên trong luật là rất cần thiết, đồng thời thể hiện tính kế thừa đối với Pháp lệnh Trọng tài thương mại (năm 2003). Mặt khác, các quyết định của trọng tài viên rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng trọng tài, nên quy định tiêu chuẩn trọng tài viên là nhằm tăng thêm uy tín và độ tin cậy của trọng tài viên. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.