Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tang thương ở xóm nghèo ven biển miền Tây

Theo Việt Tường/Zing| 20/09/2015 07:57

Trong 9 thi thể đang được người thân đưa về nhà ở Sóc Trăng, xóm nghèo ven biển Mỏ Ó có đến 7 người. Nơi đây còn có 2 ngư dân mất tích và nhiều nạn nhân là họ hàng của nhau.

Cách đường Nam Sông Hậu gần một km, khu dân cư ấp Mỏ Ó của xã Trung Bình (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) phủ trùm không khí tang thương từ khi cư dân nơi đây hay tin người thân của họ gặp nạn trên chiếc tàu cá có bình gas phát nổ.

Chiều 19/9, trong lúc nhà chức trách bàn giao thi thể nạn nhân cho người thân tại Vũng Tàu thì ở quê nhà, gia đình của họ đã chuẩn bị xong các thủ tục để làm lễ an táng vào rạng sáng hôm sau.

Nhiều nạn nhân là họ hàng của nhau

Thẫn thờ trước hiên nhà, bà Phạm Thị Chưa (vợ nạn nhân Quách Văn Tọt, 49 tuổi) không còn nước mắt để khóc chồng. Các con của bà đi nhận thi thể xấu số cũng đã rời Vũng Tàu và dự kiến 3h ngày 20/9 sẽ đến nhà.

Nhiều gia đình nạn nhân ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) đã dựng lều che mưa để tổ chức đám tang cho ngư dân gặp nạn. Ảnh: Việt Tường.


Thiếu phụ 46 tuổi cho biết, ông Tọt có kinh nghiệm đi biển khoảng 30 năm. Hơn 5 năm trước, người đàn ông này theo tàu cá ở cảng Trần Đề hoặc đánh bắt quanh quẩn cửa biển Mỹ Thanh gần nhà.

Sau khi gia đình được Nhà nước cấp nhà ở ổn định trong khu tái định cư, ông Tọt bắt đầu có những chuyến làm thuê trên tàu cá xa nhà và kéo dài nhiều ngày, có khi hơn 2 tháng mới về. Gần đây, ngư phủ này ra đến tận Vũng Tàu làm thuê trên tàu cá BV 97799 TS của bà Phạm Thị Ngọc (40 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu).

Ngoài ông Tọt, tàu này còn có thêm 12 thuyền viên quê Sóc Trăng.

"Chồng tôi bị lãng tai nên không sử dụng điện thoại. Trước ngày gặp nạn, ông ấy nhờ hàng xóm điện thoại cho người thân, nhắn với tôi là hôm sau ổng về, có ít tiền cho các cháu đi học. Vậy mà ông ấy đành bỏ mẹ con tôi mà đi vĩnh viễn", bà Chưa nói.

Chung vách nhà với ông Tọt có ngư dân cùng bị nạn là Trần Minh Đương. Thanh niên 19 tuổi chưa vợ này là con của ông Trần Văn Khoa. Ngư dân 46 tuổi này may mắn sống sót cùng 2 người khác là Nguyễn Văn Diện (20 tuổi) và Hoàng Văn Đoàn (29 tuổi, quê Ninh Bình).

Tuy nhiên, ông Khoa lại mất đi con trai út và em ruột Trần Văn Lượng ( ngụ xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề). Riêng nạn nhân Lâm Mừng Hoánh, tuy ở thị xã Vĩnh Châu nhưng thanh niên 26 tuổi này em ruột của con dâu ông Khoa.

Một người thân của Đương cho biết, thanh niên này trước đây chỉ mò cua, bắt ốc ven bãi biển gần nhà. Đây là chuyến theo tàu cá đánh bắt xa bờ đầu tiên của Đương nhưng đã gặp nạn.

"Trước ngày về, Đương nhớ mẹ nó quá nên nói đùa để dọa chị tôi là: 'Con ở ngoài Côn Đảo luôn'. Người mẹ mắng nó vài câu vì nói chuyện xui nhưng không ngờ Đương với nhiều người thân gặp nạn", một người họ hàng của ông Khoa nói.

Ông Gu (cha của Tài) với nhiều người thân chờ mẹ thanh niên này đưa thi thể con trai về nhà lo hậu sự. Ảnh: Việt Tường.


Cách nhà Đương và ông Tọt vài bước chân cũng có hai gia đình che lều trước sân để chuẩn bị đón quan tài người thân. Nạn nhân ở cạnh nhà nhau là Trần Văn Minh (17 tuổi) và Lương Tấn Tài (22 tuổi).

Ông Lương Văn Gu (cha của Tài) cho biết, ngoài con trai của mình thì ngư dân này còn có anh ruột là Lương Văn Thủy (62 tuổi) mất tích và người cháu Lương Thanh Phong (46 tuổi, con ông Thủy) đã tìm được xác.

Cạnh nhà cha con ông Thủy, người thân của nạn nhân Huỳnh Văn Đây đang lập hương án trước sân để chờ rước vong linh của ngư dân 51 tuổi. Cuối khu tái định cư Mỏ Ó, ngoại và cậu của Lê Văn Kha đã dựng xong mái che mưa trước nhà để chuẩn bị làm đám tang cho thanh niên này.

Chuyến ra khơi định mệnh của nhạc công xứ biển

Cùng ấp Mỏ Ó với các bạn tàu bị thiệt mạng nhưng gia đình của nạn nhân Lâm Thanh Nhiển ở ngoài khu tái định cư. Không đất sản xuất, ông Nhiển cố gắng làm thuê và có thêm nghề đờn ca tài tử nhưng cái nghèo vẫn đeo bám.

Sau khi bán đất gắn liền với căn nhà lá lụp xụp ngoài đồng tôm, vợ chồng ông Nhiển về ở đậu trong nhà người họ hàng để có điều kiện chăm sóc cha già bị bệnh. Hơn hai tháng trước, thấy nhiều người trong khu tái định cư khăn gói ra Vũng Tàu, người đàn ông 52 tuổi xin đi theo và được chủ tàu cá BV 97799 TS tiếp nhận.

Bà Tư Tỏ (vợ ông Nhiển) cho biết, trước khi tàu quay vào đất liền, chồng thiếu phụ có điện thoại về nhà và cười nói rôm rả. Ông Nhiển còn hỏi thăm vợ tin tức về con trai đang làm thuê ở TP HCM và cậu út vừa đi học lái ôtô sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

"Ông ấy nói theo tàu cá hơn 2 tháng nên rất nhớ vợ con. Chồng tôi còn nói lần này về sẽ đờn ca tài tử sáng đêm rồi cạo đầu vô cửa tu. Tôi nói lại là 'ông nói gì bậy bạ' thì ổng tắt máy. Sáng hôm sau, đợi chồng gọi lại nhưng chờ hoài không có kết quả cho đến khi tôi nghe hàng xóm báo tin dữ", bà Tỏ kể.

Trò chuyện với phóng viên qua điện thoại lúc 22h30 ngày 19/9, vợ ông Khoa cho biết, đoàn ôtô chở thi thể con trai của bà với những người cùng xóm đã về tới đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Có thể 3 đến 4h sáng hôm sau mọi người sẽ tới Mỏ Ó.

Được vợ chuyển điện thoại, ông Khoa cho biết, vụ nổ bình gas xảy ra vào rạng sáng ngày 16/9. Lúc đó có 8 người thức làm việc, 10 người ngủ bên trong. Ông Khoa với hai người bị thương nhẹ vì đang trực tiếp nhổ neo trước mũi tàu.

"Sau tiếng nổ lớn, tôi với 7 người ở phía trên bị hất văng xuống biển, nhiều người bỏng nặng. Trong tàu còn có 10 người đang ngủ, sau tai nạn thì tàu chìm nhanh", ông Khoa kể với giọng mệt mỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tang thương ở xóm nghèo ven biển miền Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.