(HNM) - Sau hơn 3 năm triển khai, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó đáng chú ý là tâm lý người tiêu dùng (NTD) đã hướng về hàng Việt. Hàng Việt giờ đã có thêm lợi thế là nếu chất lượng và giá tương đương hàng ngoại, NTD sẽ mua hàng Việt.
Nếu trước đây hàng Việt bị áp đảo thì nay khi đi mua hàng ở tất cả các kênh phân phối, từ siêu thị hiện đại đến chợ truyền thống, NTD đã đắn đo trong việc chọn mua hàng Việt hay hàng ngoại. Xét trên yếu tố cạnh tranh, hàng hóa muốn cạnh tranh được phải bảo đảm ít nhất hai nguyên tắc là chất lượng và giá cả. Tuy nhiên, môi trường cạnh tranh hiện nay được DN ví như cuộc so găng giữa những đối thủ không cân sức, khi một bên là đối thủ ốm yếu, vừa thiếu dinh dưỡng, chưa "đánh" đã biết "thua" dù ngay tại "sân nhà". NTD có đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã, giá sản phẩm, trong khi doanh nghiệp (DN) lại đang phải giảm thiểu chi phí để có thể cạnh tranh về giá nhưng các yếu tố đầu vào vẫn không ngừng tăng, còn "đầu ra" thì rất khó khăn. Tình hình sản xuất, kinh doanh của không ít DN trong quý I năm 2013 xấu hơn năm 2012, thậm chí được đánh giá xấu nhất trong nhiều năm qua.
Từ đầu năm đến ngày 15-3, có 15.200 DN giải thể, ngừng hoạt động, tăng 2.200 DN so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2013 chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, tỷ lệ tồn kho nói chung của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đang ở mức cao làm ảnh hưởng đến mối quan hệ an toàn giữa các khâu sản xuất-tiêu thụ và tồn kho của sản xuất công nghiệp. Điều này đã thể hiện sự khó khăn của DN hiện nay. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ giữa giá trị tồn kho so với giá trị sản xuất trong một tháng hiện luôn ở mức cao (70-90%), trong khi tỷ lệ an toàn thông thường khoảng 65%. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm qua các tháng trong năm qua chủ yếu do các DN tự tháo gỡ khó khăn bằng cách tiêu thụ sản phẩm với giá rẻ, lãi ít hoặc bán lỗ để giải phóng hàng tồn, thu hồi vốn để tái cơ cấu ngành hàng sản xuất có lợi hơn hoặc đầu tư sang lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, không rõ nguồn gốc đang là thách thức buộc DN phải tính toán để tìm hướng đi thích hợp. Những khó khăn đó khiến niềm tin của DN đang mất dần. Đây là điểm các cấp có thẩm quyền cần lưu ý.
Ngoài vai trò là nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh giúp cho kinh tế đất nước phát triển, giải quyết việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội, DN còn là một nguồn lực rất lớn để đóng góp cho những định hướng về phát triển kinh tế. Vì vậy, các DN, nhà đầu tư với kiến thức sâu rộng về thị trường, về kinh tế cần được xem là những đối tác gắn bó bền vững, là bạn đồng hành tin cậy, cùng đồng hành với chính quyền, đưa kinh tế đất nước phát triển. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn tới công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh quá trình điều chỉnh, cải tiến mối quan hệ hợp tác giữa chính quyền và DN để tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn nữa, nhằm tạo sức cạnh tranh cho DN "nội".
Về phía DN, cần chủ động xây dựng thương hiệu uy tín, quảng bá hình ảnh DN qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ mới, quản lý được chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp với tâm lý, thị hiếu NTD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.