Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng quyền lợi và trách nhiệm

Đỗ Tâm| 16/07/2011 07:28

(HNM) - Từ ngày 1-7-2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) và Luật An toàn thực phẩm (ATTP) chính thức có hiệu lực đã mang đến cho người dân thêm nhiều quyền...

Người tiêu dùng có quyền khiếu nại nếu doanh nghiệp cung cấp sản phẩm không đạt chất lượng như cam kết. Ảnh: Phương An


Chị An (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) mua chiếc máy giặt tại một cửa hàng điện máy ở phố Hai Bà Trưng. Mang về nhà dùng, chỉ sau 2 lần giặt, máy đã có hiện tượng rung, kêu to và nước không chảy vào máy. Nhận điện thoại phản ánh, nhân viên cửa hàng lại hướng dẫn chị liên hệ với trung tâm bảo hành của hãng. Mất thêm vài lần điện thoại nữa, trung tâm mới cử nhân viên đến xem xét rồi phán: Máy hỏng, phải chờ linh kiện bên nhà máy gửi sang, đến bao giờ có thì chưa thể biết (?). Nản quá, chị An đành thuê thợ ngoài đến sửa, "mất ít tiền nhưng có cái dùng ngay, lại đỡ bực mình" - chị tự nhủ.

Trong đời sống tiêu dùng, những trường hợp như trên xảy ra khá nhiều. Trước khi Luật BVQLNTD có hiệu lực, nhiều người tiêu dùng (NTD) gần như không biết tí gì về việc mình được bảo vệ và có những quyền (cả quyền năng và quyền lợi) khi bỏ tiền ra trả cho hàng hóa, dịch vụ. Luật BVQLNTD mới ban hành, quy định 8 quyền cơ bản của NTD cùng các phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, khi khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, NTD không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và miễn tạm ứng án phí... Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD sẽ có quyền khởi kiện đơn vị gây hại đối với NTD và sẽ được Nhà nước cấp kinh phí thực hiện. Theo những chế tài đề ra, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của cộng đồng sẽ bị xử lý với mức phạt nghiêm khắc hơn.

 Luật BVQLNTD cũng cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm… đồng thời trao nhiều quyền cho NTD trong việc khiếu nại, yêu cầu bồi thường. Vậy nhưng, trong thực tế lại chưa có nhiều vụ kiện ra tòa vì NTD còn e ngại, nên thường chọn hướng giải quyết mềm dẻo, chấp nhận thiệt thòi bởi nếu phải kiện tụng sẽ vừa phiền phức vừa tốn kém. Chưa kể, việc xác định đối tượng để khiếu kiện cũng không đơn giản, nhất là với những tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh không ổn định…

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 45 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.400 người bị ngộ độc, trong đó có 7 trường hợp tử vong (riêng trong tháng 6 đã xảy ra 13 vụ, 786 người bị ngộ độc thực phẩm). Tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, những ngày đầu tháng 6-2011, số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm đưa đến cấp cứu tăng đột biến, ngày nào cũng có từ 8 tới 10 ca nhập viên.

 Cả nước hiện có khoảng 9 triệu hộ sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm. Con số khổng lồ này tuy có đóng góp nhiều trong việc giải quyết công ăn việc làm và bảo đảm đời sống một bộ phận dân cư và nhu cầu đời sống xã hội nhưng lại đang trở thành "gánh nặng" cho công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bởi việc kiểm tra, kiểm soát tồn dư chất bảo quản, hóa chất, chất gây nguy hại sức khỏe NTD gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng thực phẩm hết hạn sử dụng, kém chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng lưu thông trên thị trường vẫn ngày một nhiều. Sự bùng phát của nhiều loại hình dịch vụ ăn uống, nhất là thức ăn đường phố, thức ăn chế biến sẵn cũng là một trong những mối đe dọa sức khỏe và an toàn tính mạng cộng đồng.

Kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm lấy ngẫu nhiên trên thị trường trong năm 2010 và 4 tháng đầu năm 2011 của Cục ATVSTP - Bộ Y tế cho thấy một sự thật đáng lo ngại: 93,3% bánh bao, 60% phô mai, 60,7% sữa tươi tiệt trùng, 55% thực phẩm chay, 33,3% mì ăn liền… sử dụng chất bảo quản ngoài danh mục cho phép. Ngoài ra, có 67% số thịt quay được kiểm nghiệm có dùng phẩm màu độc và ô nhiễm vi sinh vật; 36% xúc xích, lạp xường bị nhiễm khuẩn. Đáng buồn hơn nữa là việc chế biến thức ăn cẩu thả, bảo quản sơ sài, dùng phụ gia tùy tiện, để thức ăn bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn hoặc chưa đun nấu kỹ lại là thói quen khó sửa của nhiều người nội trợ hiện nay...

 Quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, cơ quan chức năng là điều được khẳng định trong Luật ATTP với những điểm đáng chú ý như: các nguyên tắc quản lý ATTP, đặc biệt là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quản lý ATTP theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm... Luật ATTP cũng đã phân công rạch ròi trong quản lý nhà nước về thực phẩm giữa các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương để khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu trách nhiệm như vừa qua. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, năng lực xét nghiệm và cảnh báo về mất ATVSTP tại nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Mặt khác, theo luật, mức xử phạt các vi phạm về ATVSTP sẽ kết hợp giữa hành vi và số hàng hóa vi phạm. Mức phạt hành chính cao nhất là 100 triệu đồng/hành vi nhưng liệu có đủ chế tài để buộc người vi phạm chấp hành, chưa kể, có trường hợp sẵn sàng nộp tiền phạt để được tiếp tục hoạt động và lại… vi phạm.

 Rõ ràng, cụm từ "Bảo vệ quyền lợi NTD" có nội hàm rất rộng, không chỉ về mặt sử dụng hàng hóa an toàn, có chất lượng, giá cả hợp lý mà đòi hỏi cả hệ thống dịch vụ, xây dựng thương hiệu, sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức cũng phải được nâng tầm theo những yêu cầu ấy. Hiện các luật liên quan đến NTD đã có hiệu lực, song bảo vệ NTD vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chưa được quan tâm thường xuyên. Bản thân NTD cũng chưa nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, nơi người tiêu dùng ít có cơ hội tiếp cận với việc tìm hiểu các văn bản pháp luật.

Kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện. Đây  chính là những việc nhằm bảo đảm quyền lợi của NTD và cũng chính là bảo đảm an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng quyền lợi và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.