Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng quyền hạn của lực lượng hải quan để bảo vệ an ninh kinh tế

Hương Ly| 17/11/2013 06:24

(HNM) - Tại phiên thảo luận hội trường chiều 16-11 góp ý về Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, nhiều ĐBQH cho rằng, bên cạnh việc làm rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan, các bộ, ngành có liên quan trong công tác giám sát, quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK),


Cán bộ Chi cục Hải quan Gia Thụy (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu.



Thêm quyền truy đuổi để ngăn ngừa vi phạm

Báo cáo của Chính phủ tổng kết thi hành Luật Hải quan cho thấy, qua 11 năm thực hiện, luật đã tạo khung pháp lý cơ bản, đồng bộ với các chuẩn mực Hải quan quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động quản lý hải quan. Phương thức quản lý hải quan cũng đã chuyển từ thủ công sang hiện đại, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và thủ tục Hải quan điện tử.

Một trong những điểm quan trọng của luật là tạo điều kiện đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bảo vệ an ninh kinh tế và chủ quyền đất nước. Trên thực tế, số vụ vi phạm bắt giữ, xử lý của ngành hải quan đã tăng mạnh qua các năm. Năm 2010, toàn ngành phát hiện 11.150 vụ vi phạm, nộp ngân sách 68,1 tỷ đồng. Đến năm 2012, toàn ngành phát hiện 23.268 vụ, nộp ngân sách hơn 240 tỷ đồng. Trước những kết quả mà ngành hải quan đã đạt được trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự quan tâm tới thẩm quyền tiếp tục truy đuổi của lực lượng hải quan. Theo Dự thảo Luật sửa đổi, lực lượng hải quan có thẩm quyền tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hàng hóa, phương tiện vận chuyển trái phép qua biên giới, đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài (khoản 1 Điều 91). Góp ý về vấn đề này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) cho rằng, khi phát hiện đối tượng buôn lậu đang di chuyển ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan, nếu không có sự ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra hậu quả xấu. Bởi theo quy định hiện hành, khi ra ngoài địa bàn quản lý, cơ quan hải quan phải phối hợp các lực lượng công an, quản lý thị trường. Nhưng trường hợp cơ quan hải quan đang theo dõi mà đối tượng chạy ra ngoài địa bàn, nếu không lập tức truy đuổi, chắc chắn sẽ không hiệu quả.

ĐB Ngô Thị Xuân Lan (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, trên thực tế có nhiều đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng hóa từ trong địa bàn quản lý của hải quan ra ngoài. Nếu luật quy định cơ quan hải quan chỉ có quyền truy đuổi trong địa bàn quản lý, ra ngoài địa bàn phải phối hợp, trong khi Nghị định của Chính phủ lại quy định khu vực trong và ngoài địa bàn rất sát nhau; khi cơ quan hải quan đã xác định tội phạm chạy ra ngoài mà không được tiếp tục truy đuổi thì việc bỏ lọt tội phạm sẽ rất nhiều. ĐB góp ý, trường hợp đã xác định hàng hóa là buôn lậu, vận chuyển trái phép thì nên cho phép hải quan tiếp tục truy đuổi để ngăn chặn.

Xác định rõ thẩm quyền của các ngành liên quan

Trên thực tế, để thực hiện Luật Hải quan đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành chức năng nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa XNK. Chính vì vậy, nhiều ĐBQH đã góp ý kiến xung quanh việc làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK. ĐB Nguyễn Trọng Trường (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chuyên ngành khi thực hiện thông quan hàng hóa. Bởi để ra quyết định có cho phép thông quan hay không, không chỉ một mình cơ quan hải quan có thể quyết định mà còn phải kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm dịch thực vật, y tế... Đặc biệt, khi cho phép đưa hàng hóa chưa có quyết định thông quan ra ngoài địa bàn hải quan quản lý, phải xác định rõ trách nhiệm cơ quan kiểm tra chuyên ngành, bởi cơ quan hải quan chỉ có trách nhiệm quản lý hàng trong địa bàn hải quan. Trường hợp DN có nhu cầu mang hàng về kho bãi DN bảo quản trong thời gian chờ làm thủ tục thông quan để tiết kiệm chi phí, nên quy định rõ việc tổ chức giám sát để tạo thuận lợi cho DN và phù hợp với thực tiễn.

Liên quan đến quy định về người khai hải quan, ĐB Ngô Đức Minh (Đoàn Bình Thuận) góp ý, việc mở rộng đối tượng người khai hải quan có thể là người vận chuyển phương tiện vận tải cần phải xem xét lại. Bởi theo quy định, người khai hải quan phải khai báo đầy đủ, chính xác về hàng hóa. Nếu quy định cả lái xe cũng là đối tượng khai hải quan sẽ thiếu chặt chẽ, bởi họ chỉ là người đóng vai trò vận chuyển, không thể chịu trách nhiệm về hàng hóa và khai báo hải quan. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN trong quá trình hoạt động thương mại XNK, một số ĐB góp ý nên rà soát quy định về DN ưu tiên đặc biệt, bởi với yêu cầu phải có kim ngạch XNK cao như hiện nay, nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ chấp hành tốt pháp luật hải quan sẽ bị thiệt thòi vì không được hưởng những ưu đãi khi thông quan hàng hóa, mặc dù họ vẫn đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn để trở thành DN ưu tiên đặc biệt. Nhiều ĐB cũng nêu ý kiến, thời gian tới, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan, đặc biệt là các quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Việt Nam nhằm rút ngắn thời gian xác minh, thông quan hàng hóa, qua đó giảm thiểu chi phí và thời gian cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng quyền hạn của lực lượng hải quan để bảo vệ an ninh kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.