Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng phản biện, giảm hình thức

Hà Phong| 13/05/2014 07:26

(HNM) - Triển khai những đổi mới trong Hiến pháp về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương, thời gian tới, một số luật tổ chức bộ máy nhà nước sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Nhiều ý kiến cho rằng, cần ưu tiên xây dựng đồng thời Luật Hoạt động giám sát của HĐND,


Năng lực giám sát còn hạn chế

Có một thực tế mà HĐND các tỉnh, thành phố đều thừa nhận là, dù giám sát là một trong các chức năng cơ bản của HĐND nhưng việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước của HĐND có lúc còn mang tính hình thức; hiệu quả giám sát chưa cao. Chưa kể, nhiều kiến nghị không được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm giải quyết kịp thời. Đáng lưu ý hơn, một số đại biểu HĐND chưa làm tròn trách nhiệm của người đại biểu dân cử, chưa dành thời gian cần thiết cho hoạt động của HĐND, chưa thường xuyên tiếp công dân theo quy định. Gốc rễ của các bất cập trên là do cấp ủy thiếu quan tâm đến hoạt động HĐND. Có sở, ban, ngành có biểu hiện xem nhẹ hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, những hạn chế này chưa phải là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

Yếu tố quyết định chất lượng hoạt động của HĐND chính là chất lượng cán bộ. Thực tế cho thấy, đại biểu HĐND hầu hết có đạo đức, phẩm chất tốt nhưng thời gian nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ hoạt động HĐND còn hạn chế, do đại bộ phận là hoạt động kiêm nhiệm. Hiện, HĐND cấp xã có 19-25 đại biểu; cấp huyện 25-35 đại biểu; cấp tỉnh 45-75 đại biểu, riêng TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được bầu không quá 85 đại biểu. Cơ cấu trên cũng chưa phản ánh đầy đủ tính đại diện cho cộng đồng dân cư, đơn vị hành chính, cho nhân dân ở địa phương, nhất là ở cấp xã. Do đó, vẫn còn những nghị quyết HĐND được thông qua về cơ bản thường nhất trí với đề nghị của UBND, mặc dù có trường hợp các Ban HĐND đã có ý kiến phản biện hoặc có đại biểu đã phát hiện và nêu những vấn đề chưa phù hợp. Hậu quả của tình trạng trên là không ít nghị quyết được ban hành nhưng khi triển khai gặp nhiều khó khăn, có nghị quyết không thể đi vào cuộc sống.

PGS, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Với vai trò thực hiện công vụ địa phương, HĐND sẽ quyết định chính sách địa phương về việc thực hiện công vụ địa phương; đồng thời xem xét việc thực hiện. Trong khi đó, đối với các công vụ của TƯ giao cho chính quyền địa phương thực hiện thì HĐND có trách nhiệm giám sát việc triển khai. Do đó, rất cần các cơ chế bảo đảm hiệu quả của công việc giám sát của HĐND, đồng thời phát huy được tính tự quản của địa phương.

Tăng đại biểu chuyên trách, có cơ chế với đại biểu kiêm nhiệm

Luật sư Nguyễn Hoài Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, khó khăn cần tháo gỡ trước mắt là cơ chế chính sách hiện hành có nhiều thứ không có, không thuận. Theo quy định, đối với các hành vi vi phạm pháp luật, thẩm quyền kiến nghị của các ban thuộc HĐND tương đối rõ. Dù vậy, chưa có quy định ràng buộc, không có chế tài đối với các cơ quan chịu sự giám sát khi không thực hiện các kiến nghị của các ban HĐND. Thế nên việc thực hiện các kiến nghị này có triệt để, đến nơi đến chốn hay không phụ thuộc phần lớn vào sự cầu thị của các đơn vị được giám sát. Vì vậy, cần ưu tiên xây dựng đồng thời Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Luật Hoạt động giám sát của HĐND càng sớm càng tốt để tăng số lượng, chất lượng đại biểu HĐND chuyên trách, thể chế hóa khoản 2 Điều 113 của Hiến pháp: HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND.

Hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế gì đối với các đại biểu kiêm nhiệm để họ dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động của HĐND. Vì vậy, công việc của đại biểu HĐND được xem như là "tranh thủ", nên chắc chắn hiệu quả sẽ không cao. Chưa kể, lịch làm việc của HĐND với công tác chuyên môn của các đại biểu (kiêm nhiệm) là trùng nhau, vì thế rất khó sắp xếp lịch để tham gia các buổi họp ban, tiếp xúc cử tri, giám sát… một cách đầy đủ, trọn vẹn. Các đại biểu cũng khó có thời gian cập nhật thông tin "hậu" giám sát kịp thời để phục vụ cho hoạt động của một đại biểu dân cử.

Một điểm hạn chế nữa là các lĩnh vực mà HĐND tham gia quyết định, giám sát, giải trình trước cử tri rất phong phú, từ kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, đến giáo dục, văn hóa… nhưng đại biểu chỉ được đào tạo theo từng chuyên môn cụ thể. Vì vậy, khi tiếp xúc với những vấn đề không thuộc chuyên môn của mình, họ thường thiếu dũng khí để tham gia chất vấn, thảo luận trước diễn đàn của HĐND. Trong khi đó, chưa có quy định đại biểu HĐND phải dành bao nhiêu thời gian trong tháng, quý cho hoạt động đại biểu dân cử. Điều này sẽ hạn chế việc thu thập thông tin và nâng cao kỹ năng hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng quyết định của đại biểu. Cũng chưa có chế độ sinh hoạt định kỳ để nhận xét đánh giá hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Từ đó, thời gian giữa hai kỳ họp, đại biểu sẽ không biết các quyết định mà mình tham gia biểu quyết đã được triển khai thực hiện chưa, thực hiện đến đâu và có thực sự đi vào cuộc sống hay không.

Thực tiễn hoạt động của HĐND TP Hà Nội những năm qua còn cho thấy, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định, HĐND cần có những điều kiện chi tiết về tiêu chuẩn đại biểu. Nhìn chung, đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016 bảo đảm về trình độ, năng lực, uy tín, phẩm chất đạo đức, chính trị, cơ bản hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, vẫn còn một số đại biểu bầu chỉ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu nên khả năng bàn bạc để quyết định những vấn đề quan trọng và thực hiện vai trò đại diện, chức năng giám sát còn hạn chế. Đại biểu là lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND khá đông, dễ gây hiểu là thiếu tính khách quan trong thực hiện quyền giám sát, chất vấn, nể nang, né tránh khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng phản biện, giảm hình thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.