Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng nội lực, giữ niềm tin

Lâm Phương| 24/02/2010 06:37

(HNM) - Ngay từ khi lên nắm quyền (ngày 7-5-2008), Tổng thống Nga Đmitri Métvêđép đã bắt tay ngay vào cuộc chiến chống tham nhũng, một vấn nạn mà ông chủ mới của Điện Cremli cho là

Hàng loạt biện pháp đã được đưa ra nhưng chỉ khi sắc lệnh cách chức cùng một lúc tới 17 tướng lĩnh trong Bộ Nội vụ do ông chủ Điện Cremli ban hành cuối tuần trước, dư luận Nga mới tin kế hoạch chống tham nhũng của vị Tổng thống 45 tuổi này không phải là những lời nói suông. Cú giáng chức các viên tướng có một không hai trong lịch sử hiện đại Nga khiến suy nghĩ của người dân xứ sở Bạch dương về Tổng thống Đ.Métvêđép như một chính khách dân sự mềm dẻo phải thay đổi.

Thực ra, nước Nga đã phải đối mặt với tham nhũng ngay sau khi Liên Xô tan rã và đang kịch phát thành căn bệnh nguy hiểm. Tệ tham nhũng ở Nga đã thành một "lối sống", thậm chí còn như một "quy tắc'' ứng xử trong xã hội. Không ít doanh nghiệp Nga đã phải dành một khoản để "bôi trơn" bộ máy quan chức. Tổng số tiền này hằng năm chiếm tới 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Nga. "Con quái vật" tham nhũng đã không chỉ tàn phá nền kinh tế, mà còn hủy hoại lòng tin vào chế độ. Người dân ở miền đất hiền hòa và nhân hậu này đã quá quen với chuyện cảnh sát giao thông nhận hối lộ để bỏ qua các vi phạm, cha mẹ biếu xén giáo viên để con em được điểm cao và các bệnh nhân đút lót bác sĩ để được chăm sóc như mong muốn... Trong khi đó, những "con ông cháu cha" luôn cố kiếm chỗ làm tại các cơ quan công quyền, vì nó bảo đảm lương bổng, lại khấm khá nếu biết kiếm tiền bằng "ban ơn" cho người nhờ cậy...

Bộ máy chính quyền bang ở Nga hiện được xem là độc nhất vô nhị trên thế giới với số công chức đến hơn 1,4 triệu người và thu nhập của các quan chức trong cỗ máy này từ tham nhũng tương đương 1/3 ngân sách quốc gia. Có người đã phải thốt lên rằng: "Một người dân Nga bình thường cũng hiểu rất rõ rằng đã là quan chức thì không thể nghèo được".

Và "lối sống" này đã đưa Nga lên gần vị trí dẫn đầu, ngang với Tôgô, Inđônêxia và Gămbia, trong bảng chỉ số tham nhũng toàn cầu. Nếu tin vào kết quả các cuộc điều tra xã hội học thì đa số người dân đã từng không tin tưởng chính quyền sẽ thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng. Lòng tin của dân chúng Nga bị xói mòn không phải không có lý do. Vì thực tế, người tiền nhiệm của Tổng thống Đ.Métvêđép như Vlađimia Putin hay xa hơn nữa là Bôrít Enxin cũng đều đã mạnh tay chống tham nhũng, nhưng hiệu quả thì chỉ như đã nêu ở trên. Trong khi đó, tính mạng của những người không khoan nhượng với tham nhũng luôn ở thế "ngàn cân treo sợi tóc". Theo thời gian, tham nhũng ở Nga đã đủ giúp mafia Nga vươn vòi bạch tuộc tới hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của đất nước, thách thức sự tồn vong của cả một chế độ.

Cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay khiến người dân nước này nhớ đến cái chết (năm 2006) của Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Anđrây Côdơlốp - người dám đối mặt với đấu thủ nguy hiểm nhất - "tư bản đen" rửa tiền qua mạng lưới hàng chục "ngân hàng bỏ túi" mà ông chủ của chúng là những kẻ làm ăn bất chính. Trong năm 2006, theo chỉ đạo của ông Côdơlốp, 40 ngân hàng như vậy đã bị Ngân hàng Trung ương rút giấy phép kinh doanh và gần 400 ngân hàng khác bị tình nghi rửa tiền, bị đưa vào danh sách thu hồi giấy phép. Còn Yury Sêcôchikhin, phóng viên tờ Novaya Gazeta cũng đã bị sát hại sau khi thực hiện một phóng sự về biển thủ công quỹ tại một công ty nội thất lớn nhất nước Nga.

Rõ ràng, khi hạ sát những người như Phó Thống đốc Anđrây Côdơlốp và Yury Sêcôchikhin, mafia Nga đã khẳng định lo ngại của Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng Anatôli Gôlubép rằng "Nạn tham nhũng còn nghiêm trọng hơn hoạt động khủng bố bởi nó làm xói mòn lòng tin của dân và đánh phá Nhà nước từ bên trong".

Vì vậy, sắc lệnh cải tổ Bộ Nội vụ Nga của Tổng thống Đ.Métvêđép là một cú đấm trời giáng vào "cái ác thâm căn cố đế ở Nga".

Băng đã bắt đầu rạn và công lý một lần nữa được khởi đầu. Bàn tay của luật pháp đã vươn tới những vị trí cao trong bộ máy chính quyền. Dù cuộc chiến không dễ dàng, nhưng những gì Tổng thống Đ.Métvêđép đang làm sẽ giúp loại bỏ hoài nghi và làm dấy lên hy vọng của người dân Nga.

Gần đây, nhờ chính sách đối ngoại và đường lối kinh tế đúng đắn, Nga đã thành công trong khôi phục vị thế cường quốc trong một thế giới đa cực. Cuộc chiến chống tham nhũng thành công sẽ giúp Nga tăng đáng kể nội lực để phát triển bền vững.

Từ cuộc chiến chống tham nhũng ở Nga, người ta thấy, nạn tham nhũng, hối lộ, trốn thuế đang là vấn nạn toàn cầu. Nó hủy hoại những nguồn lực vô cùng lớn; đồng thời ngăn chặn các nỗ lực trong cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn thế giới. Theo Liên hợp quốc, nguồn tài chính bất hợp pháp từ tham nhũng ở các nước đang phát triển lớn gấp 8 đến 10 lần tổng số viện trợ phát triển ODA hằng năm trên toàn cầu. Con số kinh hoàng này khẳng định, ngoài nỗ lực của mỗi quốc gia, sự hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống tham nhũng phải được tăng cường nhằm diệt trừ một tệ nạn đang trở thành thảm họa của nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng nội lực, giữ niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.