Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng nguồn lực để tăng chất lượng

Hồng Hạnh| 25/06/2010 07:24

(HNM) - Ngày 24-6, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tham gia phản biện xã hội vào dự thảo đề án "Quy định về mức thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non (MN) và phổ thông (PT) công lập của TP Hà Nội" với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và đại diện các sở, ban, ngành… Các ý kiến đều bày tỏ sự ủng hộ phải điều chỉnh mức học phí theo tinh thần của Nghị định 49/2010/NĐ-CP, tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân thì cần phải hoàn thiện thêm…

Giờ tập múa hát của các cháu Trường Mầm non B Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Ánh


Cần thiết, nhưng phải có lộ trình

Với những bất cập hiện nay trên địa bàn TP trong việc thu học phí như không thống nhất, mức thu lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp GD-ĐT khiến không ít nơi phải tự đặt ra các khoản thu không có trong quy định, đôi khi gây nên tình trạng lạm thu… các đại biểu đều cho rằng việc tăng mức học phí là cần thiết. Đề án "Quy định về mức thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục MN và PT công lập của TP Hà Nội" được đánh giá là khả thi, đúng theo chủ trương xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT và giảm gánh nặng ngân sách.

Để đề án nhận được sự đồng thuận thì việc quan trọng lúc này là phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ hai vấn đề: Thứ nhất, đóng học phí là trách nhiệm của gia đình HS với nhà trường để góp phần chia sẻ chi phí đào tạo với Nhà nước; thứ hai, tăng học phí là để tăng cường đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục (đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ…), đem lại lợi ích cho HS, chứ không phải để tăng lương cho giáo viên. Theo các đại biểu, việc tăng mức học phí phải có lộ trình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng nơi. Mức thu đề xuất thực hiện vào năm học 2010-2011 của đề án chưa phù hợp mà chỉ nên ở mức dưới hoặc bằng 3 lần mức thu hiện nay. Như ý kiến của ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội thì phạm vi và mức độ tác động của đề án tới toàn xã hội là rất lớn, thậm chí phần nhiều có thể là tác động tiêu cực, bởi mức thu nhập của đa phần người dân còn thấp. Vì thế, ở giai đoạn đầu chỉ nên thu học phí của khoảng 30-50% tổng số người dân phải đóng học phí, tập trung sự huy động nguồn lực vào những người có kinh tế khá giả.

Các ý kiến cũng thống nhất rằng việc tăng học phí phải đi đôi với yêu cầu tăng tính minh bạch (minh bạch về đối tượng áp dụng, minh bạch về việc quản lý, sử dụng học phí). Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Phạm Ngọc Thảo yêu cầu nêu rõ tình hình quản lý, thu, sử dụng học phí (các nội dung chi) ở nhà trường thời gian qua, chỉ rõ nội dung nào là hợp lý, nội dung nào chưa, từ đó đưa ra yêu cầu tăng và sử dụng học phí trong những năm tới như thế nào. Trên cơ sở ấy, người dân mới có thể hiểu và ủng hộ chủ trương này. Lại có ý kiến băn khoăn rằng liệu ngoài mức học phí đã tăng, HS có phải đóng góp thêm các khoản khác nữa không hay lại kéo theo mức thu của các khoản khác cũng tăng…?

Tăng học phí đi đôi với các chính sách ưu đãi

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định dù mức học phí có điều chỉnh song ngân sách nhà nước vẫn là nguồn thu chủ yếu của các trường MN và PT công lập. Cùng với tăng học phí, TP cũng có nhiều cơ chế để huy động nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT để các điều kiện bảo đảm chất lượng của mọi nhà trường đều được cải thiện, mọi HS được học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt hơn. Nguyên tắc xác định học phí của Hà Nội được triển khai theo đúng với tinh thần của Nghị định 49/2010/NĐ-CP: phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân. Mức học phí và chi phí học tập khác không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng. Theo tính toán từ mức thu nhập bình quân hộ gia đình và thực tế khảo sát tại các nhà trường, mức học phí mới chỉ tăng ở khu vực thành thị, còn ở vùng nông thôn thì mức tăng nhẹ.

So với các quy định đang thực hiện, đề án học phí mới của Hà Nội có nhiều ưu điểm: tăng nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT, giảm lạm thu và tạo sự công bằng trong giáo dục. Theo đó, bên cạnh việc tăng học phí, các chính sách liên quan đang được Sở GD-ĐT và Sở Tài chính xây dựng theo hướng để HS ở mọi vùng, miền đều được hưởng một nền giáo dục có chất lượng, trong đó ưu tiên cho HS nghèo, HS vùng khó, không để các em phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. So với Nghị định 49/2010/NĐ-CP thì số đối tượng được miễn, giảm học phí của Hà Nội nhiều hơn gấp 1,5 lần. Cụ thể, ngoài HS ở 15 xã miền núi và khó khăn được miễn hoàn toàn học phí (ở Nghị định 49/2010/NĐ-CP thì HS ở miền núi vẫn phải đóng học phí), có đối tượng còn được cấp thêm tiền để đi học (với mức 70.000 đồng/HS/tháng), HS thuộc hộ cận nghèo được giảm 50% mức học phí… Các chế độ này sẽ được hỗ trợ trực tiếp tới HS, vì vậy các em trong diện ưu tiên dù theo học ở trường công lập hay ngoài công lập cũng đều được hưởng quyền lợi. Bà Nga cho biết, để bảo đảm chi phí đầu tư cho một HS là như nhau giữa các khu vực, bảo đảm công bằng trong giáo dục thì với nhóm có mức thu học phí thấp hơn hoặc có nhiều đối tượng ưu tiên thì định mức ngân sách sẽ hỗ trợ phần chênh lệch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng nguồn lực để tăng chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.