(HNM) - Thời gian qua Việt Nam đã thực hiện cải cách hành chính (CCHC) mạnh mẽ và đã đạt những thành tựu nhất định, song chất lượng cung cấp dịch vụ công vẫn còn hạn chế, nhất là ở lĩnh vực y tế và giáo dục.
Hoạt động của bộ phận một cửa quận Tây Hồ. Ảnh: Linh Tâm
Chất lượng dịch vụ công thấp
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2010 cho thấy việc cung ứng dịch vụ công (về y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập) giữa các vùng, miền ít có sự khác biệt. Đánh giá của người dân về bệnh viện tuyến huyện được nghiên cứu trên các chỉ tiêu (người bệnh không phải nằm chung giường, phòng bệnh có quạt máy, nhà vệ sinh sạch sẽ, cán bộ y tế trực thường xuyên, thái độ phục vụ bệnh nhân tốt, chi phí khám chữa bệnh hợp lý, không phải đợi quá lâu) cho thấy ở cả 30 tỉnh, TP được khảo sát đều không được như mong đợi. Dư luận xã hội còn rất bức xúc về tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện, chi phí khám, chữa bệnh chưa hợp lý, thời gian chờ đợi lâu và chất lượng phòng bệnh kém. Đây là những vấn đề bất cập ở cả các TP lớn và bệnh viện tuyến huyện, kể cả ở các tỉnh miền núi.
Tương tự, đánh giá của người dân về giáo dục tiểu học công lập được xét trên các tiêu chí (lớp học là nhà kiên cố, nhà vệ sinh sạch sẽ, lớp học dưới 40 học sinh, học sinh không phải học ca ba, không phải đóng phụ phí ngoài quy định, không phải "bồi dưỡng" giáo viên, giáo viên không ưu ái học sinh học thêm, giáo viên có trình độ sư phạm tốt) cũng không có nơi nào hoàn hảo. Nhìn chung, hạ tầng của các trường và chất lượng giáo viên được người dân đánh giá là tốt, song tình trạng giáo viên vẫn ưu ái học sinh học thêm, sĩ số lớp còn đông và giáo viên nhận tiền ngoài quy định là phổ biến, thể hiện ở kết quả khảo sát của cả 30 tỉnh.
Theo ông Jairro Acuna-Alfaro, Cố vấn chính sách về CCHC và phòng, chống tham nhũng thuộc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP): Trong số 6 nội dung được đo lường của PAPI, nội dung thứ 6 - cung ứng dịch vụ công - có mối tương quan chặt chẽ nhất với chỉ số phát triển con người (HDI). Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và an sinh xã hội, nhất thiết phải nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công.
Mục tiêu trong tầm tay?
Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Thể chế, con người và chất lượng dịch vụ công. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt mức trên 80%, cũng như trên 80% hài lòng về dịch vụ y tế công và dịch vụ giáo dục công. Ông Tạ Ngọc Hải (Viện Nghiên cứu khoa học tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ) e ngại chỉ số trên là một thách thức lớn bởi thực trạng cho thấy người dân ở các vùng, miền đều chưa hài lòng về dịch vụ công bây giờ. Bên cạnh đó, ông Hải cũng bày tỏ sự lo ngại với mục tiêu: Năm 2015, trên 80% công chức cấp xã ở đồng bằng, đô thị và trên 60% ở vùng miền núi, dân tộc đạt chuẩn. Về vấn đề này, ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) đồng tình với ông Tạ Ngọc Hải rằng đó là việc khó. Tuy nhiên, ông Hòa khẳng định: "Chỉ tiêu đưa ra đó là khiêm tốn, bởi hiện tại, có khoảng 15-20% công chức cấp xã đạt chuẩn. Vậy, mục tiêu đặt ra 10 năm tới, mỗi năm tăng khoảng 10% là có thể thực hiện được. Tương tự, về chỉ số hài lòng trong lĩnh vực y tế, giáo dục cũng là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được".
Việc nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công còn liên quan đến nhiều vấn đề. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ đi đôi với chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực lại liên quan đến tiền lương, trong khi đó, chính sách tiền lương vẫn là "nút thắt cổ chai" trong xây dựng đội ngũ công chức có chất lượng. Theo ông Đào Việt Dũng (Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB): "Điều quan trọng trong công tác CCHC nói chung và nâng cao chất lượng dịch vụ công nói riêng là con người. Nếu chúng ta không tạo lập được một môi trường hiệu quả thì khó đạt được những mục tiêu đề ra". Cũng theo ông Dũng, trong Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, Bộ Nội vụ đã đưa ra việc cải cách tiền lương nhưng mới là "điều chỉnh lương tối thiểu" trong khi đó cải cách tiền lương cần cải cách toàn diện hơn. Ông Nguyễn Đức Chiến, chuyên gia tư vấn Bộ Y tế đề xuất những ý kiến góp phần tháo gỡ những nguyên nhân hạn chế, vướng mắc về hoạt động khám, chữa bệnh trong các bệnh viện công hiện nay là: sử dụng nguồn thu để trả lương, tiền công và thu nhập tăng thêm; trích lập và sử dụng các quỹ; tăng cường tính minh bạch... Chuyên gia tư vấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Vũ Văn Thiệp cũng đưa ra những ưu điểm của cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung mô hình về mở ngành đào tạo, chương trình đào tạo, tuyển sinh, văn bằng chứng chỉ...
Theo các chuyên gia, cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, nhất định phải có một công cụ giám sát. Ông Đinh Duy Hòa cho biết, Bộ Nội vụ vừa xây dựng xong bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC và sẽ sớm đưa vào áp dụng thực hiện. Đây sẽ là "thước đo" mức độ triển khai, thực hiện của từng đơn vị, để nhìn vào đó, các đơn vị có ý thức hơn trong việc tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công nói riêng và nâng cao CCHC nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.