Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng lương với tăng năng suất lao động cần gắn bó hữu cơ với nhau

Minh Bắc| 15/12/2014 09:31

(HNMO) - “Lương cơ sở, lương tối thiểu, mức sống tối thiểu” là những vấn đề luôn được bàn luận trong chính sách tiền lương. Tăng lương như thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động mà không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp vẫn là một bài toán khó trong năm 2015…

Hiện Hà Nội có trên 120 nghìn doanh nghiệp với trên 1,5 triệu lao động, trong đó, có 203 doanh nghiệp nhà nước với 100 nghìn lao động. Và để đảm bảo việc tăng lương trong năm 2015 như chính sách của Chính phủ đã đề ra là một việc không hề đơn giản. Hơn nữa, theo chỉ tiêu được nêu ra trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015 của thành phố Hà Nội, với chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người hay còn gọi là GRDP bình quân đầu người đạt 75-77 triệu đồng. Chỉ tiêu này không phải là thu nhập bình quân của 1 người lao động trong một năm như một vài người lầm tưởng nhưng cũng là một con số khá cao, thường cao hơn chỉ số thu nhập bình quân đầu người. Trong khi đó thông tin từ bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố ở quý 2/2014 thì thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương đã là 4,6 triệu đồng (gồm cả tiền lương/tiền công, các khoản có tính chất lương và phúc lợi khác từ việc làm chính của lao động). Tuy nhiên, nếu đạt được chỉ tiêu này thì cơ hội cải thiện tiền lương cho người lao động trong năm 2015 là khả quan.

Lao động lĩnh vực dệt may, da giày, mức lương thực lĩnh hàng tháng đều cao hơn mức lương tối thiểu vùng của Nhà nước. (Ảnh: Minh Bắc)



Về chính sách tiền lương, sau 2 lần trì hoãn, việc tăng lương năm 2015 của Chính phủ cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách cũng đã được Quốc hội phê duyệt theo phương án điều chỉnh tăng 8% cho các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi cho người có công và lương đối với bộ phận công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp với hệ số lương từ 2,34 trở xuống. Chính sách này sẽ được thực hiện từ ngày 01-01-2015, theo đó nhà nước phải chi tăng thêm khoảng 11 nghìn tỷ đồng cho gần 5 triệu người thuộc các đối tượng trên.

Và cũng từ ngày 01-01-2015, theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng mới cũng sẽ được điều chỉnh tăng lên 3,1 triệu, 2,75 triệu, 2,4 triệu, 2,1 triệu đồng/tháng tương ứng từ vùng 1 đến vùng 4. Lương tối thiểu vùng đã được Luật pháp quy định thường áp dụng cho các doanh nghiệp (DN), cơ quan, tổ chức thuộc khu vực ngoài ngân sách nhà nước. Tiền lương này thường được coi là căn cứ để các đơn vị này tính toán mức đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), y tế, thất nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp này. Mức lương này được Chính phủ điều chỉnh hàng năm thông qua cơ chế ba bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia. Và đây được coi là một trong những hành động của Chính phủ nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.

Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng lương tối thiểu có thể không giúp người lao động tăng thu nhập, trong khi DN sẽ chịu gánh nặng về các khoản bảo hiểm. Bởi tại những DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, mức lương thực lĩnh mà người lao động được lĩnh hàng tháng đều cao hơn mức lương tối thiểu vùng của Nhà nước. Vì vậy, khi Chính phủ tăng mức lương tối thiểu thì chỉ có các khoản đóng phí bảo hiểm sẽ tăng lên. Nếu trong điều kiện kinh doanh khó khăn, rất có thể nhiều DN sẽ giảm lương nhân viên và thậm chí là cắt giảm lao động để bù đắp chi phí và số tiền người lao động được mang về vẫn không tăng.

Từ năm 2001-2013, Chính phủ đã 10 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu và quy định mức lương tối thiểu theo 4 vùng. Đồng thời cũng có lộ trình tăng mức lương cơ sở cho khu vực hưởng lương ngân sách (năm 2014 mức lương cơ sở này tăng lên 1150.000 đồng). Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể, tiền lương ở Việt Nam hiện nay có nhiều hạn chế. Đó là, mức lương tối thiểu thấp, chưa được tính đúng, tính đủ cho mức sống tối thiểu của người có nuôi con và chỉ đáp ứng được 60- 65% nhu cầu cơ bản của người lao động. Tiền lương chưa bảo đảm người hưởng lương chủ yếu sống bằng lương. Bởi thường xuyên là lương chưa kịp tăng thì hàng hóa, đồ dùng thiết yếu của người dân đã tăng, mức tăng có khi lại cao hơn cả mức lương mà người lao động được tăng...

Lương chưa thực hiện theo nguyên tắc thị trường cũng là nguyên nhân làm khu vực nhà nước khó giữ được lao động có chất lượng cao. Đại diện chủ sử dụng lao động cho rằng, với mức tăng lương tối thiểu lên 15,1% cho người lao động (để bằng tương ứng các số liệu như ở các vùng nói trên), thì lúc đó quỹ lương của DN phải chi tăng thêm 20% trên tháng từ năm 2015. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, thì đó là một khó khăn không nhỏ nếu như năng suất lao động không được tăng thêm. Theo các chuyên gia lao động thì việc tăng lương (kể cả tăng lương tối thiểu) cần gắn chặt với vấn đề tăng năng suất lao động. Mối quan hệ giữa tăng lương với tăng năng suất lao động phải gắn bó hữu cơ với nhau, thúc đẩy nhau.

Theo lộ trình tới năm 2017, lương tối thiểu sẽ bảo đảm mức sống tối thiểu và đó cũng là lộ trình đòi hỏi các DN nói chung và của Hà Nội nói riêng hoạch định chính sách đầu tư phát triển của mình. Được biết, UBND thành phố cũng đã đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong đó có việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu kinh tế: Chú trọng 7 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN (trong đó có thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát, sửa đổi quy định thủ tục hành chính)… Đó là vấn đề rất quan trọng có tác động đến rất nhiều chỉ tiêu khác của Thành phố Hà Nội cũng như thực hiện chính sách tăng lương của nhà nước. Thiết nghĩ trong vấn đề giao chỉ tiêu cho các đơn vị, nên chăng, thành phố cũng gắn với chỉ tiêu tăng năng suất lao động bởi điều này gắn bó chặt chẽ với việc đầu tư của DN, tái cơ cấu DN, đổi mới cách quản lý của DN…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng lương với tăng năng suất lao động cần gắn bó hữu cơ với nhau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.