Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng lương tối thiểu: Có bù nổi giá cả tăng?

Quốc Bảo| 11/05/2011 07:17

(HNM) - Kể từ ngày 1-5-2011, mức lương tối thiểu chung tăng từ 730.000 đồng lên mức 830.000 đồng/tháng. Việc tăng mức lương tối thiểu chung vào thời điểm hàng loạt mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng giá thời gian qua được các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng sẽ giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Song trên thực tế, việc tăng lương đã trở thành nỗi lo của hầu hết người dân, bởi trước khi có thông tin được tăng lương, giá cả các mặt hàng đã tăng vùn vụt.

Hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều đã tăng giá. Ảnh: Đàm Duy


Lương tăng không đuổi kịp giá…


Gần hai năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, ở huyện Từ Liêm chuyển đến sống tại căn nhà trọ trên phố Chùa Bộc với giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng. Nhưng cứ sau vài tháng, chủ nhà lại tăng giá thuê trọ một lần. Mới đây nhất, giá thuê nhà được điều chỉnh từ 2,5 triệu đồng lên 3 triệu đồng/tháng. Với một gia đình công chức như chị Hoa, chỉ riêng tiền thuê nhà đã chiếm gần 1/3 tổng thu nhập hằng tháng của cả hai vợ chồng. Trước tình trạng giá cả tăng cao thời gian qua, chị phải thắt chặt các khoản chi tiêu, nhưng chưa hết tháng đã hết tiền, nói gì đến chuyện tích lũy. Thông tin từ ngày 1-5-2011, mức lương cơ bản được điều chỉnh tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng, khiến chị Hoa càng thêm lo lắng. Chị than thở: "So với thời điểm này năm 2010, hàng hóa bây giờ đắt hơn nhiều quá. Trước kia, trung bình mỗi ngày 3 người nhà tôi chỉ tiêu hết 100.000 đồng tiền thức ăn là có bữa cơm khá tươm tất, thì bây giờ, phải tiêu đến 150.000 đồng. Tính ra, lương của cả hai vợ chồng chỉ được tăng thêm khoảng 500.000 đồng/tháng, nhưng mọi chi phí sinh hoạt đều tăng gấp đôi, gấp ba trước khi được tăng lương. Được tăng lương mà lo quá!".

Gia đình chị Nguyễn Phương Thảo, phường Bạch Đằng, cũng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn thời "bão" giá. Chồng bệnh tật, một mình chị vừa nuôi con gái ăn học, vừa thuốc thang chăm sóc chồng. Đồng lương công chức của chị vẻn vẹn 3,5 triệu đồng/tháng, dù thắt chặt mọi khoản chi tiêu nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau. Vào ngày nghỉ, chị phải tranh thủ về quê, xin gia đình hai bên nội, ngoại "trợ cấp" thêm lương thực, thực phẩm. Khi thì bao gạo, lúc chục trứng, bó rau…

Trong khi các nhà quản lý kinh tế đau đầu với các chỉ số kinh tế vĩ mô như giá vàng, giá ngoại tệ, lạm phát, nhập siêu…, thì giới bình dân cũng hoa mắt mỗi khi đi chợ, bởi tốc độ tăng giá của các mặt hàng thiết yếu. Tăng mạnh nhất là nhóm hàng lương thực - thực phẩm. Giá thịt bò bắp tăng vọt từ 130.000 đồng lên 170.000 đồng/kg; giá gạo tám thơm Hải Hậu tăng từ 220.000 đồng/yến lên 290.000 đồng/yến; thịt nạc thăn giá 130.000 đồng/kg, thịt mông sấn giá 90.000-100.000 đồng/kg (tăng 20.000 - 25.000 đồng/kg); giá gas cũng tăng vọt từ 355.000 đồng/bình lên 410.000 đồng/bình loại 13kg. Ngoài ra, giá tất cả các loại thực phẩm khác như gà, ngan, trứng gia cầm, gia vị, các loại rau, củ, quả… cũng tăng từ 20 đến 40% so với cuối năm 2010. Chị Vũ Thị Thu, chủ quầy hàng thịt lợn ở chợ Nguyễn Cao cho biết: "Giá thịt tăng cao, người bán phải bỏ nhiều vốn hơn trước, trong khi sức mua của người dân giảm, nên lời lãi chẳng được bao nhiêu. Nhiều hôm hàng hóa ế ẩm, phải bán tống bán tháo cốt thu hòa vốn. Nếu kéo dài tình trạng này, chắc chúng tôi chỉ còn nước nghỉ buôn bán, tìm hướng làm ăn khác…". Lạm phát tăng cao trong khi mức thu nhập thực tế tăng không đáng kể, khiến chất lượng sống của người dân giảm đi rõ rệt. Khó khăn nhất là những gia đình cán bộ, công nhân, viên chức, người về hưu, nông dân nghèo...

Nên xã hội hóa việc tăng lương?

Đã thành thông lệ, khi tăng lương mới chỉ là thông tin, thì giá cả thị trường đã ầm ầm tăng. Ai cũng hiểu, tăng lương và tăng mức sống chung của người dân là việc làm cần thiết, là mục tiêu mang tầm quốc gia, song còn rất nhiều câu hỏi đặt ra mà Chính phủ và các cơ quan chức năng phải đau đầu tìm câu trả lời. Vậy, tăng lương như thế nào là đủ, khi trên thực tế lương của cán bộ, công chức chỉ đủ tiêu trong vòng nửa tháng? Cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng lương chưa tăng, giá cả đã tăng vùn vụt? Theo các chuyên gia kinh tế, để việc tăng lương không ảnh hưởng nhiều đến mức sống của cả những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người không hưởng lương, đã đến lúc không nên coi chuyện tăng lương là vấn đề xã hội. Thực tế cho thấy, khi mức lương cơ bản của hàng triệu người đồng loạt tăng, lập tức sẽ thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và đây chính là cơ hội để nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh vin vào đó tăng giá. Nhiều ý kiến cho rằng, nên để chính cơ quan, doanh nghiệp… quyết định mức tăng và thời điểm tăng lương phù hợp. Khi doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, họ sẽ quyết định việc tăng lương để vừa khuyến khích người lao động, vừa bảo đảm được lợi nhuận. Khi đó, tăng lương sẽ không còn là sự chờ đợi của hàng triệu người, không tác động một cách ồ ạt lên đời sống xã hội và như vậy việc tăng lương sẽ thực chất hơn. Các doanh nghiệp cũng đồng tình cho rằng, giải pháp tốt nhất là để doanh nghiệp tự thỏa thuận mức lương với người lao động. Hiện tại, một bộ phận khá lớn lao động tại các làng nghề, khu vực dân doanh, doanh nghiệp tư nhân… có thu nhập không dựa trên mức lương tối thiểu, song họ vẫn tự nguyện làm việc và có thu nhập bảo đảm. Nghịch lý ở chỗ, tuy không nhận lương theo quy định của Nhà nước, song mỗi khi các khu vực khác được tăng lương tối thiểu, đời sống của họ lại bị xáo trộn do giá cả hàng hóa tăng cao. Do đó, để doanh nghiệp quyết định việc tăng lương vừa phù hợp thực tế, vừa hợp xu thế hội nhập, thông qua mức lương và điều kiện làm việc, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh nhau để thu hút lao động. Từng doanh nghiệp tăng lương sẽ không tác động lên mặt bằng giá cả chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng lương tối thiểu: Có bù nổi giá cả tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.