(HNM) - Việc tổ chức tốt đại hội công nhân viên chức, hội nghị cán bộ công chức, người lao động tại các cơ quan, DN là yếu tố quan trọng để phát huy dân chủ, trí tuệ...
Năm 2008, trước khi có sự phối hợp giữa UBND và LĐLĐ thành phố, số lượng đơn vị tổ chức hội nghị NLĐ hầu như không có, nhưng đến năm 2013 đã có gần 62% đơn vị tổ chức, trong đó 48,4% DN có vốn đầu tư nước ngoài…
Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, cho biết 5 năm trở lại đây, hằng năm Hà Nội có gần 90% đơn vị tổ chức đại hội CNVC, hội nghị CBCC, NLĐ. Trong đó, trên 96% đơn vị tổ chức đại hội CNVC, hơn 99% đơn vị tổ chức hội nghị CBCC và số đơn vị tổ chức hội nghị NLĐ đạt gần 62%. Các đại hội, hội nghị đã xây dựng được thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), trong đó đa số TƯLĐTT của DN đã đưa vào các điều khoản cao hơn luật định, có lợi cho NLĐ như mức trợ cấp khó khăn, thời giờ nghỉ ngơi, định mức lao động, các chế độ ốm đau, thai sản, phúc lợi xã hội… Điển hình như, TƯLĐTT của Công ty CP Xăng dầu chất đốt Hà Nội có điều khoản trợ cấp thâm niên công tác tại đơn vị khi về hưu. TƯLĐTT của Công ty TNHH Phát triển Giảng Võ quy định mức chi phí khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho 100% NLĐ với số tiền cao gấp 3 lần so với các đơn vị trong tổng công ty. TƯLĐTT của Công ty CP Ford Thăng Long quy định cụ thể chế độ về ăn trưa, thai sản, hiếu hỷ…
Đại hội công nhân viên chức, hội nghị cán bộ công chức, người lao động là dịp để người lao động phát huy dân chủ, trí tuệ, khẳng định sự đóng góp của bản thân vào sự phát triển của đơn vị. Ảnh: Hải Anh |
Đại hội CNVC khối các cơ quan nhà nước được tiến hành theo đúng quy định tại Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13-2-1999 của Chính phủ ban hành. Nhiều ý kiến đóng góp, phát biểu tập trung tham gia vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, các hoạt động liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Tổng Giám đốc Nguyễn Phi Thường cho biết, một phó tổng giám đốc được DN phân công theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo đại hội CNVC hoặc hội nghị NLĐ ở các đơn vị thành viên. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức - Tiền lương của Tổng Công ty được giao nhiệm vụ tổng hợp phản ánh và hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ các đơn vị cơ sở giải quyết kịp thời những thắc mắc, lúng túng trong quá trình tổ chức đại hội, hội nghị. Đối với hội nghị CBCC, theo đánh giá của ông Đặng Minh Thuần, hầu hết đơn vị đều tổ chức đúng tiến độ, đúng quy trình theo quy định tại Nghị định số 71/1998/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về Quy chế thực hiện dân chủ và Thông tư liên tịch của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ý kiến tham gia hội nghị thường tập trung vào các vấn đề về cải tiến phương thức công tác, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CBCC, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Theo ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch CĐ các KCN&CX, từ năm 2008 đến nay, số lượng DN tổ chức hội nghị NLĐ tăng dần, năm 2013 tính tới thời điểm này đã có gần 50% DN tổ chức hội nghị NLĐ. Có được kết quả đó là do triển khai cơ chế phối hợp giữa chính quyền, CĐ và DN. Hoạt động này được NLĐ đặc biệt quan tâm vì các quy định cụ thể liên quan đến quyền lợi sát sườn của họ; trong khi đó, DN muốn tìm tiếng nói chung, đồng thuận thì phải bàn bạc, thống nhất với NLĐ…
Kết quả bước đầu là khá khả quan, song nhiều cán bộ CĐ còn bức xúc về chất lượng tổ chức đại hội CNVC, hội nghị CBCC, NLĐ ở các đơn vị là chưa đồng đều, nhiều nơi việc tổ chức còn nặng về hình thức, phổ biến là tại các cơ quan, đơn vị khối hành chính sự nghiệp. Chủ tịch LĐLĐ Từ Liêm Chung Văn Bình cho rằng, xảy ra tình trạng trên là do thiếu cơ chế giám sát, ràng buộc trách nhiệm. Nhiều nơi còn chỉ định người phát biểu ý kiến để né tránh những vấn đề nóng, nhạy cảm được NLĐ quan tâm. Bên cạnh đó, theo phản ánh của cán bộ CĐ, sự phối hợp giữa chính quyền và tổ chức CĐ ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa chặt chẽ, kịp thời, dẫn đến công tác chỉ đạo chưa sát sao, thậm chí nhiều nơi chính quyền đẩy toàn bộ trách nhiệm tổ chức cho CĐ. Mặt khác, nhận thức của NLĐ còn hạn chế, chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức đại hội, hội nghị, nên ít tham gia ý kiến, kiến nghị, đề xuất. Và đặc biệt là công tác đánh giá, rút kinh nghiệm chưa được thực hiện nghiêm túc từ cơ sở.
Để nâng cao chất lượng công tác tổ chức đại hội CNVC, hội nghị CBCC, NLĐ tại các cơ quan, đơn vị, DN, những vấn đề nêu trên cần nhanh chóng có biện pháp khắc phục, đồng thời phải đẩy mạnh việc tuyên truyền cho CNVCLĐ hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.