(HNM) - Hiện tại, nguồn cung và nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn những điểm vênh, ảnh hưởng đến nhiều phía. Tạo điều kiện cho thị trường lao động phục hồi bền vững, các cơ quan, đơn vị chức năng đã tăng cường kết nối cung - cầu, đồng thời bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động cũng như người sử dụng lao động.
Vẫn khó tuyển dụng nhân sự phù hợp
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, trong quý I-2022, các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển khoảng 50.000-80.000 lao động; hàng vạn người lao động đã có việc làm mới. Tương tự Hà Nội, thị trường lao động ở những địa phương tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, chế xuất như: Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh... cũng có những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là cung - cầu về lao động vẫn khó gặp nhau. Nguyên nhân là do những vị trí công việc trống người làm chủ yếu tập trung ở những ngành, nghề như công nghệ thông tin, tự động hóa, thiết kế đồ họa... Những ngành, nghề này chưa có nhiều người đáp ứng tốt các yêu cầu công việc. Anh Lưu Trung Hiếu, tổ dân phố 15, phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Tôi đã có kinh nghiệm làm việc gần 20 năm với vị trí quản lý nhóm, kỹ sư cơ khí. Sau gần 3 năm nghỉ làm, hiện muốn trở lại làm việc, nên tôi ứng tuyển vào những vị trí công việc cũ, nhưng chưa trúng tuyển. Quá trình phỏng vấn giúp tôi nhận ra, bản thân đang thiếu một số kỹ năng làm việc hiện đại”.
Với những vị trí công việc cần sử dụng lao động phổ thông, làm việc bán thời gian, do người lao động ngoại tỉnh hồi hương chưa trở lại hoặc họ đã chuyển đổi công việc khác, khiến các doanh nghiệp khó tuyển người. Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (Công viên nước Hồ Tây) Nguyễn Thị Thu Hồng cho hay, đơn vị cần tuyển hơn 100 lao động cho vị trí bảo vệ, soát vé, chăm sóc khách hàng,... Sau gần một tháng tìm ứng viên, công ty vẫn chưa tuyển đủ lao động. Còn Phó Tổng Giám đốc Đào tạo và Tuyển dụng (Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác tòa nhà VNPT) Nguyễn Thị Lan thông tin: “Chúng tôi liên tục tuyển dụng lao động phổ thông, thời kỳ cao điểm lên đến hơn 100 người. Tiếc rằng, số lượng người ứng tuyển không nhiều”.
Hỗ trợ phục hồi bằng nhiều chính sách hấp dẫn
Theo đà phục hồi kinh tế - xã hội, nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục tăng. Dự kiến, thời gian tới, cả nước cần bổ sung ít nhất 500.000-700.000 lao động, trong đó, thị trường Hà Nội cần bổ sung tối thiểu 100.000 lao động.
Để có lực lượng lao động đáp ứng tốt yêu cầu công việc, nhiều doanh nghiệp chủ động đưa ra chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự (Công ty cổ phần Tập đoàn TLC Việt Nam) Hoàng Thị Hiền cho biết: “Ngoài chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, chúng tôi quan tâm đào tạo kỹ năng cho người lao động; đồng thời, tạo điều kiện cho nhân viên có năng lực thử sức ở những vị trí quản lý còn trống. Nhờ thực hiện văn hóa nuôi dưỡng nhân sự có tính kế thừa, lực lượng lao động của công ty chúng tôi ít biến động”.
Ở góc độ quản lý, các bộ, ngành chức năng tiếp tục đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thị trường lao động phục hồi. Theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Minh Tiến, chính sách tăng giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 60 giờ/tháng, tối đa không quá 300 giờ/năm vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, góp phần giúp doanh nghiệp khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động do tác động của dịch Covid-19. Với người lao động, nếu có nhu cầu làm thêm, họ sẽ có thêm khoản thu nhập để trang trải cho cuộc sống.
Chính sách khác đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm. Dự kiến, những lao động đang làm việc được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, trong thời gian 3 tháng. Còn những lao động quay trở lại thị trường lao động, mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng, trong thời gian 3 tháng. “Chính sách này được triển khai, giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn, yên tâm gắn bó với công việc”, chị Nguyễn Thị Lan, đang thuê nhà tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) nói.
Giải pháp hỗ trợ thị trường lao động phát triển bền vững tiếp tục được chú trọng triển khai là mở rộng tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động; tăng cường kết nối cung - cầu lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm. Từ nay đến cuối năm 2022, Hà Nội sẽ tổ chức hơn 200 phiên giao dịch việc làm; đồng thời tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 người theo sát nhu cầu của thị trường. Trên phạm vi cả nước, dự kiến sẽ có hơn 2 triệu lượt người được đào nghề, hàng triệu lượt người được hỗ trợ giải quyết việc làm...
“Thị trường lao động hồi phục, phát triển theo hướng bền vững là yếu tố quan trọng để nâng cao đời sống của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, tất cả các bên cần chung tay thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.