Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng giải pháp để phát triển đồng bộ

Dạ Khánh| 18/03/2019 07:10

(HNM) - Là công cụ và định hướng phát triển không gian, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho đô thị. Song, những bất cập như điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu kiểm soát chặt chẽ... đã gây không ít hệ lụy, tạo áp lực lên đô thị.

Được và chưa được

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, công tác quy hoạch đã trở thành công cụ quản lý, định hướng phát triển rất hữu hiệu. Đây là căn cứ để triển khai các dự án xây dựng, tạo lập tầm nhìn về diện mạo đô thị.

Đến nay, đã có 58/63 địa phương, 16/16 khu kinh tế ven biển, 17/26 khu kinh tế... được phê duyệt quy hoạch. Tỷ lệ lập quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt 78%; quy hoạch chi tiết đạt 39%. Kết quả của công tác quy hoạch đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, cấu trúc tổng thể của đô thị, phát triển các khu đô thị mới, phát triển kết cấu hạ tầng...

Tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được phê duyệt là nhiệm vụ quan trọng của các ngành chức năng. Ảnh: Viết Thành


Song, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị. Đây cũng là những vấn đề được chỉ rõ tại Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1-3-2019. Đó là việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, chất lượng một số quy hoạch chưa cao.

Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết tại các đô thị lớn, tập trung đông dân cư còn tùy tiện, có xu hướng gia tăng dân số, tầng cao, mật độ xây dựng,... gây quá tải hạ tầng đô thị. Công tác quản lý đầu tư xây dựng thực hiện theo quy hoạch còn thiếu kiểm soát chặt chẽ dẫn tới việc phát triển đô thị còn tùy tiện...

Tại Hà Nội, điển hình cho việc quản lý đầu tư xây dựng thiếu chặt chẽ theo quy hoạch phải kể đến khu chung cư HH - Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Với 12 tòa nhà cao trên 40 tầng, khu chung cư này không chỉ phá vỡ quy hoạch ban đầu, chiếm trọn khu đất công cộng và dịch vụ, không tuân theo các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, mà còn đẩy mật độ dân số tại đây lên quá cao (gần 8 người/m2) khiến không gian sống khá bức bối.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho biết, việc có quá đông người cư trú tại một địa điểm gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng cũ kỹ và quá tải của thành phố. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra nạn kẹt xe, ngập lụt... đang trở nên thường xuyên hơn tại nhiều khu vực.

Tại Hà Nội, có những tuyến phố không lớn nhưng phải gánh hàng chục tòa chung cư như: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương... Tại thành phố Hồ Chí Minh, đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) có chiều dài chưa đầy 2km và mặt cắt ngang khá hẹp, nhưng có tới gần 10 chung cư cao tầng...

Cần các giải pháp đồng bộ

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh thì chất lượng quy hoạch, tầm nhìn dự báo chưa cao; công tác lập quy hoạch còn chậm, kéo dài, nhất là quy hoạch chi tiết đến thời điểm hiện tại mới đạt tỷ lệ 39%. Việc này đã gây khó khăn cho công tác phát triển đô thị, dẫn đến sự phát triển thiếu đồng bộ.

Trong khi đó, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, năng lực, trình độ quản lý của một số cán bộ còn chưa theo kịp thực tiễn. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện xây dựng theo quy hoạch của chính quyền địa phương đã được quan tâm hơn, nhưng còn nhiều hạn chế về bộ máy, cơ chế, chính sách, nên vẫn xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép.

Ngoài ra, các văn bản pháp lý phục vụ công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị lại chưa theo kịp thực tiễn, chưa đầy đủ, thống nhất. Một số quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành (hoặc mới ban hành) còn bất cập, chồng chéo, thiếu tính khả thi, nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ, điều chỉnh.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, khó khăn về nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch cũng là nguyên nhân biến ý tưởng thành hiện thực gặp trở ngại. Thực tế, nhiều dự án, nhất là các dự án nhà ở cao tầng, khu đô thị được triển khai trên địa bàn Hà Nội đến từ nguồn vốn xã hội hóa. Việc xây dựng hạ tầng bên ngoài hàng rào thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhưng, do khó khăn về nguồn lực nên thành phố hiện mới tập trung phát triển hệ thống tuyến, đường giao thông chính, trọng điểm.

Tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được phê duyệt, tại Chỉ thị 05/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo Chỉ thị, phải khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, nghị định và hoàn thành trong năm 2019 để bảo đảm tính thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành..; cân đối nguồn lực bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng giải pháp để phát triển đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.