(HNM) - Kết quả thanh tra mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, giá gas, giá sữa bán lẻ đã bị đẩy lên rất cao so với quy định. Giá đường trong nước những ngày gần đây cũng liên tục tăng mạnh mặc dù nguồn cung mặt hàng này hiện rất dồi dào. Tăng giá bất hợp lý, người tiêu dùng chịu thiệt thòi, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước vẫn loay hoay chưa biết ứng xử ra sao. Tăng giá bất hợp lý
Theo Bộ Tài chính, cả nước có khoảng 30 DN nhập khẩu gas, trong đó khoảng hơn 20 DN nhập khẩu thường xuyên, bình quân mỗi DN nhập khẩu khoảng 30.000 tấn/năm. Kết quả thanh tra tại 6 DN và một số cửa hàng trực thuộc, đại lý, tổng đại lý gas cho thấy, khâu kinh doanh gas dân dụng còn nhiều lỗ hổng. Các DN đầu mối chỉ quản lý và chịu trách nhiệm giá bán đến hệ thống cửa hàng trực thuộc. Tổng đại lý và đại lý gas không quản lý giá bán đến người tiêu dùng (NTD) khiến các đại lý, cửa hàng bán lẻ tùy tiện tăng giá. Trên thị trường, giá gas trong tháng 12 đã tăng 3 lần; giá một bình gas Total trên thị trường tăng từ 230.000 đồng/bình (cuối tháng 8-2009) lên 300.000 đồng/bình (cuối tháng 12-2009).
Kiểm tra bình gas tại một cửa hàng trên phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt |
Sau khi thanh tra giá sữa, Bộ Tài chính cũng phát hiện NTD phải chịu những khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị khổng lồ khi mua sữa bột. Cụ thể, năm 2008, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã chi bán hàng hơn 32 tỷ đồng, trong đó riêng tiền quảng cáo tiếp thị là 20,5 tỷ đồng, chiếm tới 38% tổng chi phí. Tại Công ty Mead Johnson Việt Nam, tổng chi phí bán hàng 6 tháng cuối năm 2008 khoảng 120 tỷ đồng, trong đó, chi quảng cáo chiếm trên 83 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2009, mức chi này có giảm, nhưng vẫn lên tới 52 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí quảng cáo được tính vào giá thành và NTD khi mua sản phẩm đã phải "cõng" thêm khoản phí quảng cáo chiếm tới 1/3 đến 1/2 giá bán. Sản phẩm sữa Enfagrow 900g giá nhập khẩu tính cả thuế là 113.000 đồng/hộp, nhưng giá bán lẻ công bố là 266.818 đồng/hộp. Sữa Enfakid 900g giá nhập khẩu tính cả thuế là 108.000 đồng/hộp, giá bán lẻ là 229.545 đồng/hộp.
Không chỉ chịu những bất hợp lý về giá gas, giá sữa, những ngày cuối năm 2009, giá đường bán lẻ tăng lên gần 20.000 đồng/kg, cao gấp 2,5 lần so với mức 9.000 đồng/kg thời điểm đầu năm. Lấy lý do giá đường tăng, các DN kinh doanh sữa, nước giải khát, bánh kẹo đã tăng giá 5-30% tùy loại. Trong khi đó, Hiệp hội Mía đường khẳng định, nguồn cung mặt hàng này rất dồi dào, bởi đường sản xuất trong nước cộng với lượng đường nhập khẩu, tồn kho của các nhà máy hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Chọn mua sữa tươi tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Huyền Linh |
Cần biện pháp mạnh ngăn chặn sai phạm về giá
Sau khi phát hiện những bất hợp lý về giá sữa bột trên thị trường, Thanh tra Bộ Tài chính đã yêu cầu các DN giảm giá, trên cơ sở giảm chi phí quảng cáo và cùng nhà phân phối quản lý giá bán sữa đến NTD. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức nhắc nhở DN chứ chưa xử lý sai phạm. Lý giải điều này, đại diện Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, hiện nước ta hoạt động theo cơ chế thị trường, DN được quyền định giá. Theo quy định của Bộ Tài chính, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục phải đăng ký giá bán, song đa số DN sản xuất, kinh doanh sữa đều có vốn nhà nước dưới 50%. Do vậy, họ không thuộc đối tượng phải đăng ký giá bán. Đây là bất cập cần sớm khắc phục để quản lý giá sữa tốt hơn.
Trước sự lộn xộn của thị trường gas, mới đây Chính phủ đã ban hành nghị định mới về kinh doanh khí hóa lỏng, tạo hành lang pháp lý cho các DN kinh doanh gas bình ổn thị trường. Theo đó, để thực hiện bình ổn giá gas trên thị trường, vấn đề then chốt là quản lý hệ thống phân phối để kiểm soát được giá bán đến NTD; buộc đại lý kinh doanh gas phải niêm yết giá và kiểm soát việc bán đúng giá niêm yết.
Với mặt hàng đường, hiện Bộ Công thương đã giao cho Cục Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan quản lý giá (Bộ Tài chính) tăng cường thanh kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, trong đó có mặt hàng đường. Các đơn vị kinh doanh niêm yết giá đường trái quy định sẽ bị xử lý nghiêm và tịch thu khoản lợi nhuận bất hợp lý.
Mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc thanh tra những sai phạm về giá gas, giá sữa và chỉ ra những sai phạm của DN. Song dư luận vẫn chờ những biện pháp mạnh hơn của ngành chức năng nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm về giá và giảm bớt thiệt thòi cho NTD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.