(HNM) - Kể từ ngày 1-4, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng giá nước sinh hoạt trong khoảng từ 100 đồng đến 1.700 đồng/m3 tại địa bàn 11 quận, huyện. Đây là lần điều chỉnh thứ 4 kể từ năm 2010 đến nay khiến người dân tiếp tục phải thắt chặt chi tiêu.
Tăng để bù đắp chi phí
Hiện nguồn cung cấp nước sạch cho người dân TP Hồ Chí Minh là 2 đơn vị Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT TP). Mỗi ngày, Sawaco cung cấp gần 1,5 triệu mét khối, tương đương khoảng 90% tổng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Phần còn lại là của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn.
Người dân ngao ngán trước thông tin tăng giá nước. |
Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, việc tăng giá nước là thực hiện theo lộ trình điều chỉnh giá nước của UBND thành phố đưa ra từ cuối năm 2009. Theo đó, từ ngày 1-4, giá nước sinh hoạt được điều chỉnh tăng 200 đồng/m3 (đối với khu vực nông thôn), tức từ 3.100 lên 3.300 đồng/m3. Đối với khu vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ chủ yếu phân bố ở ngoại thành và chỉ chiếm khoảng 2,5% trong tổng số nhu cầu cung cấp nước, mức tăng giao động từ 1.600 đến 1.700 đồng/m3.
Tương tự, Sawaco cho hay, việc điều chỉnh giá nước không chỉ theo lộ trình mà còn nhằm bù vào chi phí xử lý nước ngày càng tăng cao. Lần này sẽ tăng giá nước tại 3 khu vực là: Cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sản xuất và kinh doanh, dịch vụ, từ 1.000 đến 1.700 đồng/m3. Trước đó, từ ngày 1-1, Sawaco đã tăng 10% giá nước sạch, với mức giá 5.300 đồng/m3 đối với các hộ sử dụng dưới 4m3/người/tháng, sử dụng trên 4m3 đến 6 m3/người/tháng là 10.200 đồng và trên 6m3/người/tháng là 11.400 đồng.
Người dân ngao ngán
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới khi nghe thông tin giá nước tăng, hầu hết các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên các quận, huyện vùng ven thành phố đều lắc đầu ngao ngán.
Thuê nhà trọ đã 8 năm nay, chị Trần Tố Uyên (địa chỉ 39/15B đường 19, quận Thủ Đức) quá hiểu khó khăn như thế nào sau mỗi lần tăng giá nước. Hiện chị đang ở nhà chăm sóc đứa con trai 2 tuổi và đang có thai 5 tháng. Cả gia đình chỉ trông cậy vào người chồng với thu nhập 10 triệu đồng/tháng nhưng với giá lương thực thực phẩm tăng vọt hằng ngày, tiền điện, tiền nhà trọ... tăng theo đã khiến gia đình họ phải chắt bóp lắm mới mong đủ. "Năm 2011, giá nước sinh hoạt là 12.000 đồng/m3; năm 2012 đến nay là 15.500 đồng/m3. Hiện nay, gia đình phải trả tiền nước sinh hoạt là gần 200 nghìn đồng/tháng, sắp tới tăng nữa thì không biết chúng tôi phải chắt bóp khoản nào để bù thêm…", chị Uyên lo lắng.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, chuyên bán các loại cây cảnh, hoa tươi (19/4F đường Lương Định Của, phường Bình An, quận 2) cho biết, gia đình anh với 7 thành viên trung bình phải trả số tiền nước dao động là từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Nếu giá nước sinh hoạt tăng 500 đồng/m3 thì sẽ phát sinh khá lớn. "Điều này đồng nghĩa, sắp tới vườn hoa cảnh chắc chắn cũng điều chỉnh giá bán", anh Hoàng chia sẻ.
Tương tự, tại một nhà hàng ăn trên đường Trần Não (quận 2), người đại diện cũng chỉ biết thở dài vì giá nước lại tiếp tục điều chỉnh. "Năm trước, khi tăng trung bình 400 đồng/m3, nhà hàng đã phải chi phí thêm gần 1 triệu đồng/tháng. Hiện mỗi tháng nhà hàng xài không dưới 350m3 nước và phải trả trên 6 triệu đồng/tháng. Nếu nay nước tăng như mức giá trên nữa thì chúng tôi lại tiếp tục phát sinh thêm chi phí, đẩy giá thành nguyên liệu, thực phẩm, nước uống… đội giá lên theo, ảnh hướng không nhỏ đến kinh doanh", người đại diện này tính toán.
Kinh tế suy giảm, giá cả lương thực thực phẩm, xăng, điện tăng đã khiến người dân chật vật. Nay lại thêm nước tăng giá, không còn cách nào khác, người dân tiếp tục phải "thắt lưng, buộc bụng".
Theo quy định trên, đối với người sử dụng nước sinh hoạt, định mức nước được xác định trên số nhân khẩu thường trú và tạm trú dài hạn theo sổ hộ khẩu thường trú và tạm trú. Mỗi nhân khẩu chỉ được đăng ký định mức tại một thuê bao đồng hồ nước. Trường hợp nhiều hộ gia đình sử dụng chung một đồng hồ nước (địa chỉ trong hộ khẩu thường trú khác với địa chỉ đặt đồng hồ nước) thì tính định mức các nhân khẩu sử dụng chung cho khách hàng đứng tên thuê bao đồng hồ nước. Đối với người nhập cư, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (có thời hạn thuê nhà từ 12 tháng trở lên) cũng được tính định mức theo số nhân khẩu như trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.