Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng giá dịch vụ y tế: người nghèo sẽ được hưởng lợi

N.Hạ| 13/11/2012 17:38

(HNMO) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong nội dung trả lời chất vấn về Thông tư 04 áp dụng khung giá viện phí mới tại Quốc hội chiều 13/11.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến


Cuối giờ chiều nay (13/11), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bắt đầu phiên trả lời chất vấn về nhiều chủ đề được đại biểu Quốc hội quan tâm: chất lượng khám chữa bệnh, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế với các đơn vị y tế công lập, ngoài công lập; vấn đề giá thuốc, viện phí, quá tải, y đức…cho đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm

Thừa nhận bất cập hiện nay khi giá thuốc bị đẩy lên cao, nhiều bất cập còn tồn tại trong đấu thầu thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu ra các nguyên nhân chủ yếu do thuốc qua nhiều các tầng lớp kinh doanh lòng vòng; các hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn biệt dược nhập ngoại không cần thiết để hưởng hoa hồng và các kết quả đấu thầu trong bệnh viện (BV) có thể cao hơn giá đã niêm yết và giá công khai.

Đặc biệt, thông tư 10/2007 hướng dẫn đấu thầu thuốc vào BV có nhiều kẽ hở khi chia nhóm thuốc không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, không hướng dẫn kỹ hồ sơ mời thầu, không quy định kết quả đấu thầu của các đơn vị đó phải thấp hơn giá niêm yết và kê khai trước đó…

“Bệnh viện, ngành y tế là đơn vị quản lý xuất nhập khẩu, sản xuất, kê đơn chữa bệnh nhưng đồng thời là cơ quan quản lý giá, chẳng khác gì  “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bộ Y tế, BV chỉ nên quản lý về chuyên môn, về tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm đủ an toàn thuốc đến tay người bệnh. Còn việc quản lý giá là không phù hợp” -  Bộ trưởng nêu rõ.

Để khắc phục những “kẽ hở” trên, Bộ Y tế đã nỗ lực phối hợp cùng Bộ Tài chính, cơ quan Bảo hiểm xã hội ban hành Thông tư 01 thay Thông tư 10, chia các nhóm thuốc thành các xuất xứ khác nhau dựa vào chất lượng kỹ thuật, quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá kê khai; ban hành Thông tư 11 hướng dẫn hồ sơ mời thầu thống nhất, khách quan nhất, Thông tư 50 về quản lý giá thuốc, quy định giá trúng thầu phải thấp hơn giá kê khai cũng như tiến hành cuộc vận động người Việt dùng thuốc Việt, hỗ trợ DN dược Việt Nam…

Về vấn đề tài chính trong Thông tư 04 áp dụng khung giá viện phí mới, Bộ trưởng cũng nhận định đây là vấn đề “nhạy cảm” nên đã dành nhiều thời gian để giải trình về tính cần thiết, quy trình, quá trình thực hiện Thông tư này

Bộ trưởng chỉ ra, mức giá quy định trước đây quá thấp và lỗi thời vô hình chung làm người bệnh khổ rất nhiều, dẫn đến người bệnh không muốn tham gia BHYT. Bởi với mức thu giá dịch vụ quá thấp, nên có những loại bệnh nếu theo mức chi của bảo hiểm không thể đủ, bệnh nhân vẫn phải đóng thêm. Khi tăng giá viện phí, gần như người bệnh sẽ không phải đóng thêm nữa. Do đó, với những đối tượng mà xã hội vẫn quan tâm nhất là người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn…sẽ  không bị ảnh hưởng khi giá dịch vụ tăng.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, việc điều chỉnh giá sẽ giúp các đơn vị này có điều kiện tăng thêm chất lượng khám chữa bệnh cũng như nguồn thu: “Nhiều lãnh đạo BV đã nói nếu bộ trưởng không thay đổi giá dịch vụ thì BV công sẽ không còn tồn tại được…. Mỗi lần tăng lương là họ bạc đầu, ảnh hưởng đến chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh, thậm chí cả y đức” - bà Tiến trần tình

Sáng mai (14/11), Bộ trưởng sẽ tiếp tục trả lời hàng loạt các câu hỏi của đại biểu QH về chuyên môn, y đức của bác sĩ, các tiêu cực còn tồn tại trong ngành y…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng giá dịch vụ y tế: người nghèo sẽ được hưởng lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.