(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, có hiệu lực từ ngày 15-8-2013.
Điểm đáng chú ý là 3 tháng/lần, người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc và tổ chức hội nghị đại biểu định kỳ hằng năm để trao đổi, tiếp nhận cũng như giải quyết những thắc mắc, bức xúc từ người lao động (NLĐ). Xung quanh nội dung này, Báo Hànộimới nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý từ bạn đọc.
Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam):Tăng đối thoại, giải quyết bức xúc
Nghị định 60/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể các hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc. Theo đó, chủ DN, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Quá trình đối thoại, các thành viên có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu, trao đổi, thảo luận dân chủ các nội dung đối thoại. Đây là những điểm tích cực vì thời gian qua, đã có không ít các cuộc đình công, bãi công tập thể mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thu nhập quá thấp so với cường độ, thời gian NLĐ bỏ ra; chủ DN vi phạm pháp luật lao động và Luật Công đoàn, không giải quyết kịp thời kiến nghị hợp pháp của NLĐ... Các cuộc đình công không chỉ gây thiệt thòi cho NLĐ mà ảnh hưởng cho DN. Việc tăng cường đối thoại giữa DN và NLĐ sẽ giúp hai bên "xích lại gần nhau", giải quyết các mâu thuẫn, bức xúc không đáng có.
Nguyễn Như Ý (phường Kiến Hưng, Hà Đông):Gắn kết mối quan hệ lao động bình đẳng chủ - thợ
Nghị định 60/2013/NĐ-CP là bước tiến vượt bậc so với hai nghị định trước sẽ được bãi bỏ (Nghị định 07/1999/NĐ-CP về quy chế thực hiện dân chủ ở DN nhà nước và Nghị định 87/2007/NĐ-CP về quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty TNHH). Có thể nói, nghị định này nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Ngoài ra, khi văn bản này có hiệu lực thay vì những nội quy cơ quan sơ sài, chung chung, các đơn vị sử dụng lao động sẽ phải nghiên cứu để xây dựng nội quy dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc chi tiết và rõ ràng hơn. Chỉ riêng quy định người sử dụng lao động và NLĐ cùng thống nhất xây dựng một quy chế dân chủ của DN đã là bước đầu xác định quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên. Sau đó, nếu ai cũng thực hiện đúng những quy định đã nêu thì mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và NLĐ sẽ gắn kết bình đẳng và thấu hiểu nhau hơn.
Bà Vũ Phương Thảo (Công ty Truyền thông Dentsu Việt Nam):NLĐ cần đứng trên bình diện chung, góp ý vì lợi ích tập thể
Gần 30 nội dung công việc NLĐ được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra giám sát được quy định tại Nghị định 60/2013/NĐ-CP là khẳng định quan trọng nhất về sự tham gia của NLĐ trong suốt quá trình lao động. Khi những ý kiến góp ý hoặc đề xuất của NLĐ được lắng nghe và giải quyết kịp thời sẽ tạo sự tin tưởng, khả năng phát huy tính tích cực và sáng tạo, giúp họ thực hiện công việc đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, khi đưa ra ý kiến chủ quan của mình, NLĐ cần đứng trên bình diện chung, mang lại lợi ích cho tập thể chứ không vì lợi ích cá nhân mình mà đòi hỏi yêu cầu không chính đáng sẽ biến những cuộc đối thoại định kỳ thành nơi tranh cãi, lãng phí thời gian công sức mà lại phản tác dụng.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng (phố Việt Hưng, quận Long Biên):Cần tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ đóng góp ý kiến
Việc tăng cường đối thoại giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo như tôi được biết, vì nhiều lý do vẫn còn có những cơ quan, DN tổ chức đối thoại mang tính hình thức. Thậm chí, có cơ quan cả năm mới tổ chức được một hội nghị công nhân lao động thường niên, nhưng cũng chủ yếu là để... tổng kết công tác năm cũ, đưa phương hướng hoạt động năm tới. Ngược lại, tại nhiều cơ quan, DN, nhiều NLĐ còn ngại, chưa dám nói lên những ý kiến bức xúc của mình. Vì vậy, tôi cho rằng, bên cạnh việc tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp, chủ DN cũng cần chú ý xây dựng các hòm thư góp ý trong những trường hợp NLĐ muốn giấu tên, để tiếp nhận, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Nếu quy chế dân chủ và đối thoại tại nơi làm việc thực hiện tốt, thì chắc chắn sẽ không còn các mâu thuẫn, xung đột, các cuộc đình công, bãi công tập thể. Chủ DN và NLĐ sẽ gần gũi nhau hơn, vì mục tiêu chung của DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.