(HNM) - Ngay trong ngày lễ trọng của ngành y tế, kỷ niệm 59 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch công tác y tế năm 2014.
Đãi ngộ chưa tương xứng
Báo cáo nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế hiện chưa phù hợp, lương và phụ cấp quá thấp, đứng thứ 17/18 bộ, ngành. Trong khi thi đầu vào khó, học để trở thành bác sĩ ít nhất cũng phải mất 6 năm nhưng khi ra trường, cán bộ ngành y chỉ được hưởng mức lương tương đương với những người học đại học khác (4 năm). "Chế độ đãi ngộ cho cán bộ ngành y không tương xứng với thời gian học tập cũng như công sức lao động, môi trường lao động, điều kiện làm việc vất vả. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, nông thôn, chính sách thu hút cán bộ về làm việc cho y tế cơ sở, các vùng khó khăn còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, nhân lực y tế phân bổ không đều giữa các vùng, các tuyến", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Tăng chế độ đãi ngộ cho đội ngũ y, bác sĩ là một giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ người bệnh. Ảnh: Hữu Oai |
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành y tế thành phố có khoảng 44.000 cán bộ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, số bác sĩ phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở các bệnh viện (BV) thành phố (chiếm 61%), trong khi tỷ lệ bác sĩ tại các BV quận, huyện chỉ chiếm 23% tổng số bác sĩ toàn ngành. Thậm chí, có những BV quận, huyện tỷ lệ bác sĩ rất thấp, như: Cần Giờ (4,8 bác sĩ/10.000 dân), Bình Chánh (1,7 bác sĩ/10.000 dân). Ngay cả số bác sĩ chuyên khoa như: Nhi, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu cũng còn thiếu so với nhu cầu chung của toàn ngành. Bên cạnh đó, dòng chảy nhân lực ngày càng nhanh và mạnh hơn từ khu vực y tế công sang y tế tư, từ hệ thống y tế công cộng sang điều trị; từ vùng sâu, vùng khó khăn về thành thị. Hậu quả là nguồn nhân lực bị thiếu trầm trọng, nhất là cán bộ ở tuyến cơ sở, ở các vùng sâu, vùng khó khăn.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã thiết lập đường dây nóng để lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân. Qua đường dây nóng có hơn 40% cuộc gọi kêu than về thái độ ứng xử, cáu gắt, không tận tâm… của đội ngũ y bác sĩ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận, do hậu quả của việc quá tải BV, chế độ chính sách đãi ngộ chưa tốt, đồng thời mặt trái của kinh tế thị trường tác động tiêu cực đến một bộ phận cán bộ y tế, ảnh hưởng việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cá nhân nên dễ nảy sinh thái độ phục vụ, ứng xử chưa tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014 là nâng cao đạo đức nghề nghiệp thông qua ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn thực hiện quy tắc ứng xử để có hành lang pháp lý cao hơn về thực hành quy tắc ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân. Từ đó, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những cố gắng của ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, công tác điều trị trong các BV từ việc ban hành quy trình, phác đồ điều trị, quy tắc ứng xử đến bộ tiêu chí đánh giá chất lượng… Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bên cạnh những vụ việc tiêu cực làm dư luận bức xúc thì hệ thống y tế có biết bao tấm gương âm thầm cống hiến vì người bệnh, đặc biệt những người lặng lẽ hy sinh trong lĩnh vực phòng dịch, an toàn thực phẩm. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế ngoài việc phát triển giường bệnh ở tuyến trên thì cũng cần quan tâm hơn đến tuyến dưới, làm sao tăng được số giường bệnh ở tuyến xã, phường. Thêm vào đó, cần có cơ chế chính sách, chế độ để động viên khối y tế dự phòng, y tế cơ sở thì công tác điều trị, tuyến y tế trung ương cũng sẽ đỡ vất vả.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 13 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế dẫn đầu phong trào thi đua năm 2013, đồng thời trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 3 cá nhân tiêu biểu của ngành.
Nâng cao năng lực phòng chống dịch
Trong báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014, ngành y tế Thủ đô cũng kiến nghị, đề xuất với Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính có Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 73 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở để thực hiện chế độ bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, y tế Hà Nội cũng đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác phòng chống dịch của Hà Nội.
Một trong những khó khăn mà ngành y tế Thủ đô gặp phải đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch được đầu tư nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới, nhất là trang thiết bị cho phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, phần nào ảnh hưởng tới việc chẩn đoán phát hiện sớm ngay từ những ca bệnh đầu tiên. Hiện Hà Nội chưa xuất hiện dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9, nhưng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, địa phương đang chịu "nội công, ngoại kích", một mặt đối phó với dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp ở 21 tỉnh, thành trên cả nước và mặt khác đang gia tăng các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào. Tuy nhiên, đáng lo ngại là nhận thức của cộng đồng trong phòng chống dịch tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch chưa cao, thể hiện ở việc thiếu hợp tác với cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch. Tới đây, thành phố sẽ triển khai đặt máy test kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm tại hệ thống các chợ trên địa bàn, từ đó ngăn chặn và xử lý "thực phẩm bẩn" làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chiều qua (27-2), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành với chủ đề: "Làm theo lời Bác dạy, cán bộ y tế không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế, tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ y tế năm 2014". Bên cạnh đó, ngành y tế đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014, đó là tập trung cải tiến khu vực khám bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm số lượt khám/bác sĩ/ngày; từng bước giảm tình trạng quá tải, nằm ghép, trong đó tập trung vào triển khai mạnh 15 dự án BV vệ tinh của các chuyên khoa: Ung bướu, Tim mạch, Nhi, Sản, Ngoại, Chấn thương chỉnh hình. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.