(HNM) - Kết thúc bước năm quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII, ĐB HĐND nhiệm kỳ 2011-2016, danh sách chính thức người ứng cử ĐBQH sẽ được đưa về các đơn vị bầu cử.
Tới đây, MTTQ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong công tác giám sát bầu cử; tổ chức các hội nghị cử tri để người ứng cử ĐBQH gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử thực hiện quyền vận động bầu cử. Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UB TƯ MTTQ Việt Nam đã trao đổi với Báo Hànộimới về những công việc này.
Người dân xem danh sách niêm yết cử tri tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa). Ảnh: Nguyệt Ánh
- Ông đánh giá thế nào về các quy trình hiệp thương vừa qua của các cấp MTTQ và có thể cho biết những công việc cụ thể tiếp theo cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND nhiệm kỳ 2011-2016?
- Theo quy định của pháp luật, MTTQ đã phối hợp với Chính phủ và UBTVQH đưa ra chương trình nghị sự hiệp thương lựa chọn người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp. Quá trình vừa rồi được thực hiện bảo đảm dân chủ, đúng luật, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện quyền giới thiệu người ứng cử một cách nghiêm túc. Tiếp sau quá trình đó, hiệp thương lần hai, có danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH và 183 ứng cử viên ĐBQH của TƯ được đưa về lấy ý kiến nơi cư trú và nơi công tác. Ngoài đóng góp ý kiến cho ứng cử viên, cử tri đã có nhiều điều gửi gắm, mong muốn ứng cử viên nếu trúng cử, thay mặt nhân dân phải làm tốt nhiệm vụ họ đề ra. Điều đáng mừng là các quy trình hiệp thương vừa qua, UB MTTQ Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã có sự phối hợp rất tốt. Biểu hiện cụ thể ở danh sách ứng cử đại biểu được chuẩn bị kỹ và được xem xét, rà soát hết sức trách nhiệm. Song tôi muốn nhấn mạnh là, việc rà soát không phải chấm dứt sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba mà cả trong đợt tiếp xúc cử tri sắp tới.
- Vậy MTTQ giám sát như thế nào trong đợt tiếp xúc cử tri sắp tới của các ứng cử viên ĐBQH?
- MTTQ là cơ quan chủ trì phối hợp tổ chức cho ứng cử viên đi tiếp xúc cử tri và giám sát việc thực hiện các quy trình của quá trình vận động bầu cử. Do đó, MTTQ không chỉ trực tiếp giám sát chương trình hành động, lời hứa trước cử tri của những người ứng cử ĐBQH, mà còn hướng dẫn thực hiện công tác vận động bầu cử của ứng cử viên. Trong quá trình giám sát này, MTTQ vừa hướng dẫn ứng cử viên vận động cử tri bầu cử, vừa giám sát việc vận động đó.
- Tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo đối với các ứng cử viên ĐBQH thời gian qua như thế nào, thưa ông?
- Đối với 183 ứng cử viên ĐBQH do các cơ quan, đơn vị giới thiệu, chỉ duy nhất một trường hợp có đơn, vì ứng cử viên này đã không trình bày lý lịch rõ ràng, đầy đủ theo quy định. Đơn thư khiếu nại tố cáo giảm, chứng tỏ danh sách chuẩn bị đã được rà soát rất kỹ lưỡng. Việc này còn thể hiện qua trách nhiệm cũng như quá trình giám sát của cơ quan đại diện cho nhân dân, đó là MTTQ Việt Nam mà cụ thể là Ban Thường trực và Đoàn Chủ tịch. Quá trình giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không phải đợi đến khi có đơn thư. Do đó, công việc chuẩn bị bầu cử lần này được thực hiện với quyết tâm cao và trách nhiệm nên đạt kết quả rất tốt.
- Lâu nay vẫn có thực trạng cử tri đại diện cho gia đình hoặc nhiều người, đi bỏ phiếu bầu thay, gây ảnh hưởng đến chất lượng bầu cử. Lần bầu cử này, MTTQ có biện pháp gì khắc phục hiện tượng trên, thưa ông?
- MTTQ phải chú ý hơn nữa việc tuyên truyền trong nhân dân, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa, để qua đó nhân dân thấy rõ bầu cử là trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của họ, tránh việc đi bầu thay, tránh việc đi bầu theo kiểu hình thức. Bên cạnh công tác tuyên truyền, MTTQ các cấp phải tích cực hơn trong công tác vận động, vào từng nhà, vận động từng người, nhắc nhở mọi người đi bầu sớm, đầy đủ. Nhưng trong vận động phải chú ý làm sao để nhân dân tự giác đi bầu cử, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, mỗi lá phiếu đều thể hiện quyền và trách nhiệm thực sự của công dân, chứ không phải đi bầu cho xong.
- Tạo sự bình đẳng cho ứng cử viên là việc dư luận rất quan tâm, ông cho biết MTTQ tham gia thực hiện việc này như thế nào?
- Theo quy định của luật, những người ứng cử đều có quyền vận động bầu cử như nhau. Có nhiều hình thức để phục vụ việc vận động bầu cử, đó là tiếp xúc trực tiếp với cử tri ở nơi ứng cử và vận động qua phương tiện thông tin đại chúng nếu có điều kiện. Cũng theo luật, cơ quan nhà nước và MTTQ có trách nhiệm tổ chức để bảo đảm những người ứng cử ĐBQH có cơ hội tiếp xúc cử tri như nhau, để ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri.
- Các ứng cử viên có được lựa chọn đơn vị sẽ tiến hành bầu cử họ và ông có nhận định thế nào về tỷ lệ nữ tham gia ĐBQH lần này?
- Phân bổ ứng cử viên ĐBQH về các đơn vị bầu cử là công việc của Hội đồng Bầu cử. Việc này hoàn toàn có sự thống nhất từ TƯ đến địa phương. Song việc phân bổ cũng được thực hiện trên nguyện vọng của ứng cử viên. Sau hiệp thương lần thứ ba, ứng cử viên trong danh sách chính thức bầu cử sẽ có quyền đề đạt nguyện vọng được bầu cử ở đơn vị bầu cử nào. Thậm chí có thể trình bày hai, ba nguyện vọng để được xem xét.
Còn đối với tỷ lệ nữ, với số dư 2,17 như hiện nay, tôi cho rằng sẽ thoải mái xem xét, lựa chọn giới thiệu về địa phương. Nhìn vào danh sách 182 ứng cử viên của TƯ sau hiệp thương lần ba để đánh giá tỷ lệ nữ ĐBQH 30% có thể đạt được không thì chưa biết chắc chắn, vì việc này phụ thuộc vào lá phiếu, do quyền của cử tri. MTTQ đã bàn với Hội LHPN, chú ý trong công tác vận động làm sao để số ứng cử viên nữ mà TƯ giới thiệu trúng cử đạt con số tối đa.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.