(HNMO) - Chiều 10-3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với đơn vị, địa phương. Tham dự tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố cùng đại diện các sở, ngành của thành phố.
Trung bình mỗi ngày ghi nhận 27.283 ca F0
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tuần qua, trung bình Hà Nội ghi nhận 27.283 ca/ngày, tăng so với kỳ báo cáo trước; ngày cao nhất ghi nhận 32.650 ca. Tính đến ngày 9-3, Hà Nội đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ 80% (93/109 mẫu) mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính được giải trình tự gen ngẫu nhiên từ ngày 4-12-2021 đến 1-3-2022, trong đó, chiếm ưu thế là biến thể phụ BA.2 (86/93 mẫu).
Như vậy, bước đầu đã có những bằng chứng kết luận, chủng Omicron đã là chủng lưu hành chính tại Hà Nội. Thời gian tiếp theo, số mắc sẽ tiếp tục tăng do khả năng lây nhiễm cao của biến chủng này.
Thời gian qua, số ca mắc tăng nhanh, nhưng các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch (kiểm soát tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống) vẫn được bảo đảm, phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo đánh giá mức độ dịch trên địa bàn thành phố, đến nay, Hà Nội có 66/579 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; 187/579 xã, phường, thị trấn cấp độ 2; 326/579 xã, phường, thị trấn cấp độ 3; không có xã, phường, thị trấn nào cấp độ 4. Về công tác tiêm chủng, toàn thành phố đã tiêm được 16.124.773 mũi tiêm. Từ ngày 27-4 đến nay, các bệnh viện, cơ sở thu dung, các địa phương đã tiếp nhận quản lý, điều trị tổng số 495.130 bệnh nhân; hiện đang điều trị 242.971 người…
Bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên
Tại phiên họp, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-9 cho học sinh, sinh viên tại các trường cao đẳng, trung cấp, tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong đó, cơ bản các giáo viên, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục này đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Các nhà trường thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để hỗ trợ học sinh, sinh viên trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tính đến ngày 10-3, đã có 237 cơ sở giáo dục cho học sinh đi học trở lại; có tổng số 91 nghìn học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp, giảm 52% so với tuần đầu tiên khi đi học trở lại.
Thời gian tới, các nhà trường tiếp tục triển khai hình thức học trực tiếp và trực tuyến; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương để hỗ trợ học sinh, sinh viên khi bị mắc Covid-19.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, tuần qua, đơn vị đã phối hợp với Sở Y tế ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan về công tác phòng, chống dịch bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 khi học sinh trở lại trường học. Sở cũng căn cứ vào đánh giá cấp độ dịch của thành phố để gửi thông báo đến các nhà trường, trong đó những địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3 thì chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến; các nhà trường có cấp độ dịch cấp độ 1 và 2 thì học trực tiếp. Các cơ sở giáo dục đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt vận dụng các hình thức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.
Tại cuộc họp, đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết, sau khi được UBND thành phố giao nhiệm vụ, đơn vị đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm tháo gỡ về mặt kỹ thuật việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc được hưởng bảo hiểm cho người lao động khi bị nhiễm Covid-19. Phần mềm này xử lý hoàn toàn tự động, rất nhanh chóng, thuận tiện và đang chờ chạy thử nghiệm. Ngoài ra, đơn vị vẫn duy trì thường xuyên, liên tục việc hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động.
Liên quan tới nội dung này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị cần phối hợp triển khai gấp, không chờ tới tuần sau. Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố tập huấn triển khai đại trà việc dùng chữ ký số, liên quan tới các thủ tục xác nhận bảo hiểm xã hội cho người có nhu cầu.
“Đề nghị các đồng chí vào cuộc sớm, có thể tập huấn buổi tối bằng các hình thức trực tuyến. Phải vào cuộc tích cực, hỗ trợ cho người dân thực hiện các thủ tục được thuận lợi”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Đại diện một số quận, huyện đã báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong tuần qua. Trong đó, các địa phương đặc biệt nhấn mạnh đến chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân; công tác thu dung điều trị các F0 thể nhẹ không triệu chứng; việc phân tuyến điều trị cho các bệnh nhân nặng phải chuyển tầng; bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trực tiếp tại trường. Các địa phương cũng đề nghị thành phố tăng cường chỉ đạo các lực lượng y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở khi hệ thống y tế cơ sở quá tải.
Là một trong những nơi đông dân và gặp tình trạng quá tải hệ thống y tế cơ sở, đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết, trong tuần qua, ngoài các tổ Covid-19 cộng đồng, quận đã được thành phố tăng cường 139 cán bộ y tế để hỗ trợ cho trạm y tế của 14 phường. Nhờ đó, các cơ sở đã giải quyết tốt hơn các thủ tục hành chính và công tác tiêm chủng cho người dân.
Đại diện UBND quận Hoàng Mai cũng cho biết, để giảm tải áp lực cho hệ thống y tế phường Hoàng Liệt, quận đã tổ chức thêm 1 trạm y tế ở khu chung cư HH Linh Đàm. Ngoài ra, quận cũng đã thành lập 1 trạm riêng để chăm sóc, giải quyết thủ tục F0 cho khu HH Linh Đàm. Nhờ vậy, cho đến nay, người dân không còn đến trạm y tế phường để giải quyết thủ tục hành chính.
Phát huy vai trò của Tổ hỗ trợ quản lý và điều trị F0 tại nhà
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhận định, biến thể phụ BA.2 (chủng Omicron) chiếm ưu thế trong các ca F0 tại Hà Nội, với tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, bệnh nhân ở tầng 2, tầng 3 có chiều hướng giảm nên những ngày qua, tỷ lệ F0 nhập viện chỉ chiếm 1-1,5%. Thành phố đã chủ động kiểm soát được dịch bệnh ở ngưỡng an toàn, song ngành Y tế vẫn tiếp tục giải trình tự gen để có các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình chung.
Để phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng phần mềm trong quản lý F0 điều trị tại nhà; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng mũi 3 khi được phân bổ; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, y tế tại địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc kháng vi rút, tránh việc găm hàng, tăng giá…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, tuần qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn ở mức cao, nhưng số bệnh nhân thể nặng đang điều trị tại tầng 2, tầng 3 lại giảm. Với sự tham mưu của lực lượng y tế, thành phố luôn triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó, nên đến nay, tình hình dịch luôn được kiểm soát.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các địa phương đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch lên hàng đầu; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong bất cứ tình huống nào.
Đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, tình hình dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp, vì thế phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, thành phố và thông điệp “5K” một cách triệt để. Trong đó, các địa phương đề cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch cũng như điều trị khi mắc Covid-19.
“Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, thực chất, hiệu quả của các địa phương, trong đó có các cơ quan báo chí của thành phố để người dân nắm đầy đủ thông tin về dịch bệnh, từ đó có cách thức xử lý tốt nhất, không rơi vào tình trạng khủng hoảng khi mắc Covid-19. Đặc biệt, cần tuyên truyền để người dân không hoang mang dẫn đến việc lạm dụng xét nghiệm nhanh Covid-19 không cần thiết, từ đó gây lãng phí và khan hiếm vật tư y tế”, đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Để thực hiện tốt công tác quản lý F0 tại nhà, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương quản lý tốt các Tổ hỗ trợ quản lý và điều trị F0 tại nhà, hoàn thiện việc kiện toàn Tổ Covid-19 cộng đồng để báo cáo Sở Y tế cũng như Ban Chỉ đạo thành phố. Theo đó, cần phân công rõ trách nhiệm từng thành viên, thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả.
“Cùng với đó, các địa phương cần chú trọng giải quyết các thủ tục hành chính cho F0 điều trị tại nhà”, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính quản lý F0 tại nhà. Theo đó, Sở Y tế chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội và Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương giải quyết về vấn đề hạ tầng, cần thiết huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố.
Nêu tình trạng ở một số cơ sở tốc độ bao quát và xử lý chuyển tầng còn chậm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương tập trung bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao. “Không được chủ quan, chỉ cần chậm một chút là có thể nguy hiểm đến sinh mạng người dân”, đồng chí Chử Xuân Dũng nói.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.